Theo đó, ba phương án phát hành trên đã được SHS thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024. Cụ thể, với phương án cổ tức năm 2023, công ty dự kiến phát hành gần 40,7 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 5% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận 5 cổ phiếu mới). Nguồn vốn thực hiện từ lợi nhuận sau thuế năm 2023.
Với phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn, SHS dự kiến phát hành gần 40,7 triệu cổ phiếu, cùng tỷ lệ 5%, tức cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận 5 cổ phiếu mới. Nguồn vốn thực hiện là quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ và thặng dư vốn cổ phần lũy kế đến ngày 31/12/2023.
Với phương án chào bán cổ phiếu, công ty dự kiến chào bán gần 813,2 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cp cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 100% (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được mua 1 cổ phiếu mới).
Trường hợp cổ phiếu không chào bán hết, HĐQT công ty thực hiện phân phối cho các đối tượng khác với mức giá không thấp hơn chào bán cho cổ đông, và cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán.
Dự kiến số tiền thu được từ đợt chào bán hơn 8.100 tỷ đồng sẽ được bổ sung nguồn vốn hoạt động kinh doanh, trong đó 40% sử dụng cho hoạt động cho vay margin, ứng trước và 60% cho hoạt động đầu tư chứng khoán.
Như vậy, nếu hoàn thành các phương án phát hành trên, vốn điều lệ của SHS sẽ tăng hơn gấp đôi lên mức hơn 1.700 tỷ đồng, vào danh sách các công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam.
Nói về kế hoạch tăng vốn mạnh tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, ông Đỗ Quang Vinh - Chủ tịch SHS cho biết, đây là chiến lược dài hạn nhằm tạo sức mạnh thực hiện các mục tiêu phát triển trong nhiều năm tới của SHS, với tầm nhìn cùng với các công ty thành viên trở thành tập đoàn tài chính đầu tư vào năm 2030.
Ông Vinh kỳ vọng SHS có thể đạt được lợi nhuận khoảng 1.600 - 1.800 tỷ đồng vào năm 2025, thậm chí cao hơn nếu điều kiện thị trường thuận lợi. Công ty dự kiến sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt vào năm tới.