Ngày pháp luật

SHB dự kiến xử lý toàn bộ nợ Vinashin và mua hết trái phiếu VAMC trước hạn ngay trong năm nay

Quỳnh Chi

Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2021, trong đó lũy kế 6 tháng đầu năm, SHB đạt 3.095 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 86,5% so với cùng kỳ, hoàn thành hơn 50% so với kế hoạch cả năm.

Theo đó, quý II/2021, SHB ghi nhận 1.431 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, lợi nhuận trước thuế của SHB đạt 3.095 tỷ đồng, tăng 86,5% so với cùng kỳ, hoàn thành hơn 50% so với cả hai kịch bản lợi nhuận cả năm ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 đã đề ra. Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 24,3%.

SHB dự kiến xử lý toàn bộ nợ Vinashin và mua hết trái phiếu VAMC trước hạn ngay trong năm nay - Ảnh 1

SHB báo cáo tăng trưởng ở hầu hết các chỉ tiêu kinh doanh, đẩy mạnh phát triển các dịch vụ ngân hàng, xây dựng các gói sản phẩm phù hợp với nhu cầu riêng cho từng phân khúc nhằm mang đến cho khách hàng sự toàn diện cả về lợi ích và giá trị vượt trội.

Tính đến 30/6/2021, tổng tài sản của SHB đạt 458 nghìn tỷ đồng, tăng 11% so với thời điểm đầu năm và hoàn thành đến 99,5% kế hoạch ĐHĐCĐ đề ra. Vốn tự có đạt 40.425 tỷ đồng. Vốn điều lệ đạt 19.260 tỷ đồng.

Tại ngày 30/6/2021, tỷ lệ nợ xấu (NPL) riêng lẻ của SHB được kiểm soát ở 1,87%, tỷ lệ nợ xấu hợp nhất ở mức 2%, tăng so với năm 2020 do tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid 19 tại hai quốc gia Lào và Campuchia, ảnh hưởng đến việc phân loại nợ của hai ngân hàng con của SHB tại các quốc gia này.

Trong 06 tháng đầu năm 2021 SHB tăng cường trích lập dự phòng rủi ro. Chi phí dự phòng rủi ro đạt 2.258 tỷ đồng, tăng 140% so với cùng kỳ năm 2020, đẩy mạnh công tác xử lý nợ Vinashin và TP VAMC.

Tại ĐHĐCĐ năm 2021, SHB đã xây dựng kế hoạch sẽ xử lý dứt điểm nợ bán VAMC và nợ Vinashin trong năm 2021 và năm 2022. Tuy nhiên, SHB đang đề ra mục tiêu thách thức hơn so với kế hoạch tại ĐHĐCĐ đã công bố, cụ thể SHB có thể sẽ xử lý xong toàn ngay trong năm 2021. Nếu hoàn thành mục tiêu thách thức trên, SHB sẽ không chỉ cải thiện toàn diện về chất lượng tài sản, nợ xấu mà còn tạo tiền đề cho sự bùng nổ mạnh mẽ trong kết quả kinh doanh cho các năm tiếp theo kể từ 2021.

Bên cạnh đó, SHB đã sớm hoàn tất ba trụ cột của Hiệp ước vốn Basel II trước thời hạn vào cuối năm 2020 và có báo cáo của kiểm toán độc lập. Trong 06 tháng đầu năm 2021, SHB tiếp tục duy trì tỷ lệ an toàn vốn ở mức cao trên 10%, đáp ứng tuân thủ toàn diện các yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.

Các tỷ lệ an toàn được giữ ở mức tốt so với giới hạn quy định của Ngân hàng Nhà nước: tỷ lệ dư nợ tín dụng trên vốn huy động đến cuối quý 2/2021 ở 77,1%, tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn ở mức 26%.

Năm 2020 với SHB cũng đã hoàn thành quá trình sáp nhập Habubank, xử lý cơ bản các tồn đọng theo Đề án nhận sáp nhập, mở ra một giai đoạn mới bứt phá.

Năm 2021 và các năm tiếp theo, SHB tiếp tục nâng cao năng lực quản trị điều hành, cải cách, đối mới công tác phát triển nguồn nhân lực; Nâng cao công tác quản trị rủi ro nhằm đảm bảo hoạt động tăng trưởng tín dụng đi đôi với chất lượng tín dụng…

Bên cạnh đó, SHB tiếp tục đầu tư đẩy mạnh chiến lược chuyển đổi số thông qua việc triển khai hàng loạt dự án công nghệ thông tin trọng điểm, hướng tới hiện đại hóa ngân hàng, phục vụ các sản phẩm dịch vụ và tiện ích vượt trội cho khách hàng.

Ban lãnh đạo ngân hàng cũng tập trung đầu tư bài bản, đồng thời quyết tâm chuyển đổi mới toàn diện, trở thành ngân hàng bán lẻ đa năng hiện đại hàng đầu, chinh phục các mục tiêu kinh doanh và gặt hái nhiều thành tựu nổi bật trong tương lai.

Tin Cùng Chuyên Mục