Trong số những doanh nhân ngồi ghế nóng của Shark Tank Việt Nam, Shark Nguyễn Ngọc Thủy là nhà đầu tư rất "mát tay" khi đã giải ngân vốn cho 8/9 startup có thỏa thuận. Theo thống kê từ chương trình, tổng số tiền ông cam kết đầu tư sau 2 mùa lên tới 45 tỷ đồng.
Mới đây, ông cũng xác nhận sẽ tiếp tục tham gia Shark Tank mùa 3, bên cạnh ông Nguyễn Thanh Việt, Chủ tịch HĐQT Intracom Group và ông Phạm Văn Tam, Chủ tịch HĐQT tập đoàn điện tử Asanzo Việt Nam.
Chia sẻ về triết lý đầu tư, Shark Thuỷ cho biết cá nhân ông chú trọng đến hai yếu tố: ngành và nghề.
“Đầu tiên là ngành, ngành phải đủ lớn và mỗi sản phẩm đưa ra phải có sự khác biệt để thị trường nhận biết được. Hai là người, người phải tốt”, ông nói.
Đặc biệt, Shark Thủy tóm lược chiến lược đầu tư của mình trong ba từ: mượn, giành và dẫn. Ông lý giải thêm:
"Khi bắt đầu, chúng tôi mượn của các tập đoàn hàng đầu trên thế giới trong lĩnh vực của chúng tôi. Chúng tôi mượn công nghệ. Chúng tôi đi với họ. Từ đó, chúng tôi giành niềm tin, giành thị phần, giành uy tín để dẫn đầu thị trường."
Thành công với hệ thống các trung tâm giáo dục, Shark Thuỷ đã từng tự hào mình có thể đem đến cho các startup một hệ sinh thái người dùng khổng lồ. Khi ngồi bàn bạc với các nhà sáng lập, ông luôn khuyến khích họ tận dụng triệt để lợi thế này:
“Với dự án mà tôi đầu tư, tôi luôn nói với các bạn trẻ: hãy mượn chúng tôi đi, mượn những gì chúng tôi có, vì về cơ bản điều đó là miễn phí, nhưng các bạn phải đủ cởi mở để làm được điều đấy”, ông Thủy chia sẻ.
Chuyện thành hay bại của một Startup, dưới góc nhìn của Shark Thuỷ, có sự đóng góp quan trọng của tư duy "làm lớn". Ông lấy ví dụ về các tập đoàn hàng đầu thế giới:
"Họ đã khởi nghiệp với quy mô cực kì nhỏ bé. Tôi biết nhiều người khởi nghiệp từ cửa hàng bán cây kim sợi chỉ nhưng nay họ trở thành tập đoàn bán lẻ nhiều tỷ USD.
Điều cốt lõi là khi bắt đầu việc nhỏ họ đã có tư duy toàn cầu - tư duy trở thành kì lân. Tôi luôn nói rằng muốn có kì lân thì phải có trứng kì lân để ấp. Trong ADN của các bạn phải có tư duy đó, không có thì các bạn không thành kì lân được”.
Cuối cùng, ông đúc kết bí quyết thành công chính là phải biết hoàn thiện, tỉ mỉ từ những chi tiết nhỏ:
“Người thành công là người làm tốt việc nhỏ. Nếu không quan tâm chi tiết, không làm tốt việc nhỏ thì ta rất khó thành công. Phương châm của tôi là thực thi xuất sắc mỗi ngày và quan tâm đến từng chi tiết nhỏ nhất".