Là một trong bốn gương mặt mới xuất hiện trong chương trình Shark Tank mùa 2, Shark Nguyễn Thanh Việt để lại dấu ấn riêng với phong thái điềm tĩnh nhưng cũng không kém phần hóm hỉnh.
Ông cũng là người rất xông xáo đẩy nhanh quá trình đầu tư, tiến hành DD (Due diligence-thẩm định doanh nghiệp) sớm hơn tất cả các nhà đầu tư còn lại. Shark Nguyễn Thanh Việt thể hiện tâm huyết giúp đỡ start - up khi là nhà đầu tư rót vốn nhiều nhất Shark Tank Việt Nam mùa 2 với tổng số tiền đầu tư lên đến 47 tỷ 150 triệu đồng.
Trong quá trình gọi vốn, các nhà đầu tư thường có xu hướng đòi hỏi Start - up phải thật "toàn năng", am hiểu tường tận về khía cạnh tài chính, vận hành, marketing. Nếu thiếu các kỹ năng này, Start - up ngay lập tức mất điểm trong mắt nhà đầu tư. Đây là vấn đề Shark Việt có chia sẻ trong một chương trình về khởi nghiệp.
Theo Shark Việt, việc đánh giá này là không hợp lý. Ông cho rằng không nên có cái nhìn quá khắt khe với Start - up.
"Lời khuyên cho người tạm gọi là thành công. Thứ nhất, đừng có cái nhìn quá khắt khe với start - up. Nhiều người đòi hỏi họ phải biết rất nhiều thứ như tính toán, lập kế hoạch... Theo tôi, nếu biết tất thì start - up đã chả gọi là start - up. Nếu đang đi đầu tư thì phải rộng lòng với các công ty khởi nghiệp một chút."
Với ông, nhà đầu tư phải là người truyền lửa cho tinh thần khởi nghiệp lên cao.
"Cái mình giúp đỡ người khác nhiều nhất không phải là tiền, mà một lời khuyên đúng lúc là sự giúp đỡ cần thiết cho các start - up trẻ. Quan trọng là phải thổi lửa để start - up có tinh thần."
Shark Việt dốc lòng khuyên Start - up cần lưu tâm ba khía cạnh:
Thứ nhất: "Muốn khởi nghiệp thành công, phải dựa vào nền văn hóa lâu đời của đất nước. Phải nhớ mình là người Việt Nam!
Ông luôn đau đáu với câu hỏi: "Tại sao người nước ngoài đến Việt Nam kinh doanh lại thành công, mà người Việt mình lại không như vậy".
Thứ hai, chúng ta thường nhấn mạnh tới công nghệ 4.0. Start up phải biết kết hợp kinh doanh truyền thống và công nghệ 4.0. Vì 4.0 giống như sóng, nếu không có nước thì không có sóng.
Cuối cùng, ông đúc kết: bất cứ áp dụng phương pháp, công nghệ gì, con người là quan trọng nhất. Nếu không có con người quản trị, việc khởi nghiệp sẽ thất bại. Nhà sáng lập start - up phải là người dũng cảm, kiên định và làm đến cùng, không được bỏ cuộc trước khó khăn.