Sản phẩm cầu dắt xe thông minh Dôta
Quốc Việt và Hoàng Nam là 2 nhà sáng lập của startup Dôta, mô hình khởi nghiệp chuyên về các sản phẩm cơ khí kĩ thuật, trong đó chủ lực là cầu dắt xe thông minh. 2 anh em sinh đôi đến Shark Tank để gọi vốn 4 tỷ 650 triệu đổi lấy 20%.
2 nhà sáng lập cho biết thị trường Việt Nam có 45 triệu xe máy đang lưu hành và tiếp tục tăng thêm 3 triệu xe/năm. Trong khi đó phần lớn nhà ở được tôn cao nền so với mặt đường để phòng khi mưa ngập. Để dắt xe vào nhà cần dốc bê tông, cầu sắt hàn thủ công, ván gỗ… Tuy nhiên, đây đều là những giải pháp không an toàn vì gây trơn trượt, bất tiện khi sử dụng do cồng kềnh và xâm lấn vào không gian công cộng.
Chính vì vậy mà Dôta ra đời, đem đến các sản phẩm cầu dắt xe thông minh được làm từ hợp kim nhôm cao cấp, siêu bền nhẹ. Bề mặt được đột dập những lỗ với hình dạng đặc biệt giúp chống trơn trượt. Nhờ thiết kế bản lề một chiều nên sản phẩm có thể gấp gọn lại khi không dùng đến, hữu ích với những ngôi nhà đô thị nhỏ hẹp, không có diện tích để xe riêng.
Hiện sản phẩm được bán thử nghiệm với mức giá từ 490 nghìn đồng đến 3 triệu đồng tùy loại. Cả 2 có chiến lược là kết hợp với các hãng xe máy lớn Honda, Piaggio để cross-sell (bán chéo).
Nhận thấy sản phẩm có thị trường nhưng lại dễ bị “copy”, Shark Phú cho rằng đơn vị khác có thể cạnh tranh bằng cách thay đổi thiết kế. Đơn cử là Sunhouse, doanh nghiệp đã có sẵn xưởng sản xuất, kênh phân phối bán hàng. Nếu biết giá thành sản phẩm và cho sản xuất hàng loạt, dù không phải là người tiên phong, Sunhouse vẫn đủ sức “đè bẹp” Dôta.
Từng là học luật và có kinh nghiệm làm việc ở các tập đoàn luật nước ngoài, 2 nhà sáng lập tự tin cho biết nếu đăng kí bản quyền thiết kế đối thủ có thể thay đổi mẫu mã. Tuy nhiên, cả 2 khiến các Shark do dự khi trình bày kỳ vọng doanh thu trong năm đầu là 18 tỷ. Trong khi doanh thu tháng đầu chỉ đạt 100 triệu với 300 sản phẩm.
Giải trình về điều này, startup cho biết mô hình kinh doanh của Dôta dựa trên biểu đồ đi lên. 300 triệu là doanh thu tháng đầu, các tháng sau tăng trưởng 25%/tháng. Ngoài ra, bên cạnh các sản phẩm cầu dắt xe, Dôta còn bán các thiết bị kĩ thuật và cung cấp dịch vụ. Vì thế cả 2 tự tin có thể đạt tổng doanh thu năm đầu là 18 tỷ.
Dù quan ngại vì Dôta chưa nhận bản quyền sáng chế, nhưng Shark Phú bất ngờ quyết định đầu tư. Năm đầu tiên khoản vốn sẽ là trái phiếu chuyển đổi. Sau 1 năm sẽ chuyển thành 20% cổ phần nếu startup đạt KPI, nếu không đó sẽ là 1 khoản vay. Trong đó, ông chủ Sunhouse sẽ hỗ trợ Dôta sản xuất và quản lý hàng tồn kho để làm tài sản đảm bảo.
Shark Phú quyết định rót vốn đầu tư cho sản phẩm cầu dắt xe thông minh.
Cũng đề nghị rót vốn cho Dôta nhưng Shark Việt muốn đổi lại cổ phần 50%. Đến đây, 2 nhà sáng lập ngỏ ý muốn được muốn được gộp 2 “cá mập” với lời mời 4 tỷ 650 triệu cho 40% vì cho rằng lãi suất 20% của chủ tịch Sunhouse là quá cao.
Lúc này, Shark Hưng cho rằng 2 nhà sáng lập nên cân nhắc nhận lời mời đầu tư vì ngoài khoản vốn các Shark rót, startup được đầu tư sẽ có cơ hội được nhận thêm ưu đãi từ ngân hàng. Shark Phú cũng nhận định 20% lãi suất là không cao vì vốn ông đầu tư ra phải sinh lời ít nhất 20%/năm. Thêm nữa, ngoài khoản đầu tư, Shark Phú còn có thể hỗ trợ sản xuất. Sau lời chiêu dụ nhiệt thành từ Shark Phú, 2 nhà sáng lập đành từ chối lời mời đầu tư của Shark Việt.
Sau thời gian thương thảo, 2 starup quyết định hợp tác cùng ông chủ của Sunhouse.
Giấc mơ khởi nghiệp công ty tỷ đô
Đỗ Thị Mỹ Diệu là nhà sáng lập đến từ công ty TNHH MTV CDTS, doanh nghiệp chuyên cung cấp các sản phẩm trang phục bảo hộ lao động. Nữ startup đến chương trình với mong muốn gọi vốn 5 tỷ cho 25% cổ phần.
Trong 5 năm hoạt động công ty hiện đã đạt 50 tỷ doanh thu. Năm 2017, doanh thu là 7 tỷ, lãi gộp 40%. Tuy nhiên chỉ dừng ở mức “đủ ăn đủ mặc”, Mỹ Diệu muốn kêu gọi vốn để đầu tư cho nhà máy, đánh vào các thị trường lớn như Hàn Quốc và mong muốn xây dựng một công ty may mặc có giá trị tỷ đô. Hiện tại, sản phẩm hiện có hơn 500 chủng loại nhưng chủ yếu vẫn là quần áo bảo hộ lao động.
Nữ starup mang đến sản phẩm là các trang phục bảo hộ lao động do công ty CDTS của cô thiết kế với những kiểu dáng độc đáo, hợp thời trang.
Nhà sáng lập cũng cho hay Việt Nam có rất nhiều sản phẩm BHLĐ nhập ngoại nhưng giá rất cao, các mặt hàng của CDTS có chất lượng tương nhưng giá thấp hơn. Vốn điều lệ của công ty đang là 1 tỷ. Tổng tài sản khoảng 6 tỷ. Tài sản cố định là nhà 5 tỷ. Và nhà này hiện đang sử dụng để làm văn phòng hoạt động. Xưởng may được thuê với giá 1,5 tỷ. Riêng vật chất sở hữu là 5 căn nhà.
Mỹ Diệu chia sẻ cô từ Quảng Nam vào Sài Gòn lập nghiệp và thành công khi khởi nghiệp đơn thân, đến nay cô đã đủ sức lo cho cả gia đình, thu nhập hàng tháng trên 50 triệu đồng, nhưng từ khi xem chương trình Shark Tank cô đã bùng lên khát vọng mong muốn phát triển doanh nghiệp. Cũng chính vì điều này mà nữ startup cần sự tham gia của các nhà đầu tư. Vì hiện tại cô đang phải chật vật tìm cách xoay dòng tiền.
Shark Việt nhận thấy mô hình của CDTS là rất phù hợp với các lĩnh vực mà ông quan tâm. Shark Việt cho biết: “Anh nhìn thấy tiềm năng của em. Intracom đầu tư thủy điện, hiện nay anh có hơn 10 cái thủy điện. Mỗi người được cấp 2 bộ trong tổng 1000 người. Ngành thứ 2 của anh là bất động sản, cũng 1000 người. Lĩnh vực thứ 3 của anh là bệnh viện (cụ thể là dự án phức hợp y tế chuẩn quốc tế Phương Đông Hospital) nhưng hiện tại anh chưa hài lòng về đồng phục của bác sĩ”, Shark nói. Tuy nhiên mức gọi vốn của Mỹ Diệu đang hơi cao, Shark đề nghị 5 tỷ cho 51% cổ phần.
Shark Việt quan tâm tới mô hình của nữ starup trẻ, tuy nhiên ông cho rằng mức gọi vốn của cô đang cao.
Shark Linh tỏ vẻ phân vân. Cũng làm trong ngành may mặc, Shark Linh nhận thấy mô hình này rất tiềm năng vì biên lợi nhuận cao, gia công lại thấp. Shark Linh đưa ra lời đề nghị 51% cho 2 “cá mập”. Trong đó 5 tỷ phân ra từng kỳ. Thế nhưng nữ startup mong muốn mức giá sẽ là 5 tỷ cho 36%. Và với mức % này, các Shark vẫn có quyền biểu quyết. Sự nhiệt thành của Mỹ Diệu nhận được 2 cái gật đầu từ Shark Việt và Shark Linh. Thương vụ thành công đúng như mong ước của startup.
Cuối cùng, CDTS nhận được cú bắt tay của Shark Linh và Shark Việt.
Startup “tìm việc” được cứu
Đến chương trình với mong muốn gọi vốn 2 tỷ đồng cho 5% cổ phần, nhà sáng lập Phạm Thanh Hải giới thiệu với các nhà đâu tư dự án JobsGo - Ứng dụng tìm việc và tuyển dụng thông minh trên di động.
JobsGo là ứng dụng tự động chọn, phân tích hồ sơ để chọn ra việc làm phù hợp nhất cho ứng viên. Đối tượng sử dụng là các bạn mới tốt nghiệp trong vòng 5-7 năm trở lại. JobsGo bắt đầu phát triển vào 2016, sau 1 năm ứng dụng đạt được hơn 10.000 người dùng, khoảng 1500 lượt ứng tuyển mỗi ngày. Nhà sáng lập tham vọng trong vòng 3 năm tới, JobsGo có thể thành ứng dụng tuyển dụng hàng đầu Việt Nam và 5 năm sau có thể tiến ra khu vực.
Mô hình của JobsGo tiếp cận tất cả các ngành nghề khác nhau và thu phí từ nhà tuyển dụng. Sản phẩm của mô hình rất đơn giản, đó là đưa ra các hồ sơ ứng viên phù hợp và ra giá cho các nhà tuyển dụng, trung bình 1-1,5 triệu/hồ sơ.
Nhà sáng lập của JobsGo.
Shark Hưng cho rằng việc thu tiền để niêm yết việc đăng tuyển của nhà tuyển dụng là chưa hợp lý. Mô hình JobsGo được mô tả là việc đến với người dùng, nhưng ứng dụng lại không thu phí từ người dùng. Trong khi đó lại thu phí đăng tin từ phía nhà tuyển dụng và buộc họ phải sàn lọc từng ứng viên.
Giải thích về vấn đề này, Thanh Hải cho biết ở nền tảng JobsGo với cơ chế “matching” (tìm tương xứng), hồ sơ gửi cho nhà tuyển dụng đều đến từ những ứng viên thích hợp, giúp tiết kiệm thời gian. Song lý giải này lại không thuyết phục được các “cá mập” vì với những người đang cần việc thì bất cứ ai đưa ra lời mời họ cũng đều rất mong muốn.
Tuy liên tiếp bị các Sharks từ chối, dự án của Phạm Thanh Hải lại thu hút “cá mập công nghệ” - Shark Dzung. Anh cho biết mảng này cạnh tranh rất khốc liệt nhưng anh vẫn tin vào tiềm năng của lĩnh vực này, nếu sản phẩm tốt vẫn có thể tồn tại. Shark đề nghị 2 tỷ cho 12%.
Nhưng đề nghị của “cá mập công nghệ” khiến startup phải lưỡng lự vì mức giá đưa ra đang không công bằng với các nhà đầu tư trước đó. Tuy nhiên, Shark Dzung cho rằng JobsGo là công ty mới, lại kinh doanh trong lĩnh vực cạnh tranh gay gắt, Shark đầu tư vì nhận thấy tiềm năng của công ty. Ngoài ra, Shark tham gia với tư cách hỗ trợ, giúp nhà sáng lập gọi vốn ở các vòng tiếp theo với các quỹ đầu tư tên tuổi và tiềm lực hơn.
"Cá mập công nghệ" đầu tư cho dự án JobsGo - Ứng dụng tìm việc và tuyển dụng thông minh trên di động.
Sau một hồi thương lượng, Thanh Hải yêu cầu mức đầu tư là 2 tỷ đổi lại 10%. Shark Dzung đồng ý trước lời mời này đi kèm với điều kiện startup phải gắn bó với dự án tối thiểu là 3 năm, nếu nhà sáng lập từ bỏ thì Shark được toàn quyền quyết định với công ty. Thương vụ khép lại thành công khi đôi bên đồng thuận với các điều khoản đưa ra.
Xem tập 6 Shark Tank Việt Nam tại đây:
Shark Tank Việt Nam mùa 2 phát sóng vào 20h30, tối thứ 4 hàng tuần trên kênh VTV3.