Đang định cư tại Nhật, nhà sáng lập Hà Cảnh quyết tâm trở về Việt Nam với mong mỏi kêu gọi thành công 12 tỷ đồng đổi lấy 25% cổ phần của công ty Tokai. Hà Cảnh cho biết cộng đồng Việt Nam tại Nhật hiện có 232 nghìn người, trong đó du học sinh chiếm 61 nghìn người. Các du học sinh tại Nhật gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề thuê nhà vì vướng những quy định khắt khe của chính phủ Nhật. Còn hệ thống khách sạn của Nhật cũng đang quá tải hơn 80%, hệ thống nhà ở dành cho khách du lịch tại Nhật chỉ có 26 nghìn căn.
Nhật Bản hiện có tổng 126 triệu dân, số căn nhà bỏ hoang là 8 triệu căn và con số này đến năm 2033 sẽ lên đến 20 triệu căn. Với những số liệu đó, Tokai muốn giới thiệu đến nhà đầu tư mô hình ý tưởng dựa trên căn nhà không có người sử dụng tại Nhật Bản.
Trình bày về lợi thế, Hà Cảnh cho hay hiện nay có khoảng 10 doanh nghiệp bất động sản Việt Nam đang hoạt động tại Nhật Bản nhưng chưa hề có ai áp dụng mô hình này. Tháng 6/2018, chính phủ Nhật cũng ra quy định khắt khe trong việc thuê “nhà ma” nên đó sẽ là cơ hội cho các công ty có giấy phép kinh doanh hoạt động “nhà ma” này. Một lợi thế cạnh tranh khác là Tokai sẽ tiên phong ứng dụng công nghệ vào phát triển mạng lưới kinh doanh với hệ thống quản lý - chăm sóc khách hàng chặt chẽ. Điều mà chưa có công ty bất động sản Việt Nam nào ở Nhật thực hiện.
Tokai mới thành lập vào tháng 12/2017 và hiện đang chờ cấp giấy phép kinh doanh bất động sản tại Nhật nên chưa có doanh thu. Bất ngờ với thông tin Hà Cảnh đưa ra, các “cá mập” tỏ ra thắc mắc đến con số 12 tỷ đồng đổi 25% mà nhà sáng lập này muốn đàm phán. Đáp lại, Hà Cảnh cho biết, cô đề ra mục tiêu doanh thu theo lộ trình: năm đầu tiên là 15 tỷ đồng, năm thứ hai 28 tỷ đồng và năm cuối cùng 46 tỷ đồng. Trong vòng 4 năm đầu sẽ cho thuê 70 căn nhà dành cho người Việt Nam đi du lịch tại Nhật.
Là một người đang định cư tại Nhật, Hà Cảnh đưa ra nhiều con số ấn tượng liên quan đến dự án mà cô gọi vốn.
Hà Cảnh cũng cam kết lợi tức cho thuê có thể đạt 25%/năm. Kế hoạch kêu gọi 12 tỷ đồng là dùng để cho thuê và bố trí 5 căn nhà du lịch, đầu tư 1 tỷ đồng để mở thêm chi nhánh và mất khoảng 350 - 500 triệu cho việc đăng kí bằng cho thuê nhà du lịch. Số còn lại là mua căn nhà thí điểm tự mình cho thuê và chi phối mọi doanh thu, quản lý chính khách hàng.
Tuy nhiên, câu trả lời này không đủ để thuyết phục các nhà đầu tư, Shark Phú là người đầu tiên đưa ra lời từ chối đầu tư vào Tokai. Tương tự, Shark Linh cũng rút lui vì không quá am hiểu về thị trường Nhật. Cũng từ chối đầu tư, Shark Dzung Nguyễn nhận xét: “Ban đầu anh nghĩ đến em khai thác những căn nhà trống cho khách du lịch thuê theo xu thuế. Tuy nhiên, mô hình doanh thu của em lại mang tính chất môi giới, nhét các sinh viên vào một nhà. Anh không nghĩ xu thế này sẽ được Nhật chấp nhận”.
Shark Dzung Nguyễn và Shark Việt.
Hoài nghi về mức độ tin cậy của thông tin và hiệu quả khai thác bất động sản tại Nhật mà Hà Cảnh đưa ra, Shark Hưng cũng “lắc đầu” từ chối. “Anh làm nghề gần 20 năm nay rồi nhưng chưa bao giờ nhìn thấy tỉ suất lợi nhuận như em nói, độ xác thực về doanh thu cũng như hiệu quả khai thác của công ty nó vượt quá xa so với anh hình dung” - PCT CenLand chia sẻ.
Với nguyên tắc: “Không mạo hiểm thì không phải đầu tư”, nên sau khi tìm hiểu về phương án sử dụng vốn và tái đầu tư của Tokai, Shark Việt quyết định đầu tư 12 tỷ đến tiếp cận thị trường BĐS tại Nhật, và đồng ý với đề nghị của startup về việc Tokai sẽ nâng vốn điều lệ và vốn góp đối ứng với Shark tương đương với 49%.
Shark Việt đã quyết định mạo hiểm khi bỏ 12 tỷ ra đầu tư cho Tokai của starup Hà Cảnh.
Kèm theo điều kiện nhà đầu tư phải được cấp phép kinh doanh tại Nhật, một kết thúc viên mãn diễn ra khi Shark Việt và Tokai “bắt tay” nhau tại ngưỡng 12 tỷ đồng cho 51% cổ phần từ nhà đầu tư.
Shark Tank mùa 2 phát sóng vào lúc 20h30, tối thứ 4 hàng tuần trên kênh VTV3.