Tự tin mang đến “Thương vụ bạc tỷ” với “người bạn đầu tiên của du học sinh”, Ngọc Anh và Tuấn Anh, hai nhà đồng sáng lập của công ty CP Student Life Care, công ty chuyên hỗ trợ du học sinh dễ dàng hòa nhập cuộc sống mới trong những ngày đầu ở nước bạn, mong muốn kêu gọi được 300.000 USD đổi lấy 12% cổ phần công ty.
Giới thiệu tới các nhà đầu tư, nhà sáng lập cho biết, Student Life Care có 3 dịch vụ chính gồm: Sắp xếp nhà ở, đón tại sân bay và tour hướng dẫn hòa nhập. Đó là các phần việc hỗ trợ bao gồm các hoạt động, như mở thẻ ngân hàng, thẻ đi lại công cộng, đăng kí sim điện thoại, hướng dẫn mua sắm những đồ dùng thiết yếu, tham quan trường học, chia sẻ những kinh nghiệm về học tập và cuộc sống…
Đến nay, công ty đã hỗ trợ hơn 1700 du học sinh, có khoảng 2000 database nhà ở, hơn 800 cộng tác viên và đang có mặt ở 8 quốc gia là Úc, Anh, Canada, Mỹ, Singapore, Hà Lan, Đức và New Zealand. Giá dịch vụ khoảng từ 7-8 triệu đồng. Khách hàng có thể chọn mua lẻ hoặc mua cả gói với giá là 13 triệu đồng.
Sử dụng công nghệ để quản lý quản lý, nhà sáng lập khẳng định mô hình Student Life Care còn rất nhiều dư địa để phát triển.
Trình bày về thực trạng công ty, nhà sáng lập cho hay, năm 2017 công ty đạt doanh thu hơn 200.000 USD, doanh thu dự kiến năm 2018 là 350.000 USD. Thời điểm hiện tại, công ty đã đạt 80% tổng doanh thu dự kiến.
Tiếp tục chia sẻ về startup, Ngọc Anh và Tuấn Anh chia sẻ, theo số liệu thống kê, hiện đang có hơn 150.000 du học sinh Việt đang du học tại nước ngoài, Student Life Care đang đánh vào thị trường này ở giai đoạn đầu tiên. Giai đoạn thứ 2, startup sẽ tập trung xây dựng cộng đồng du học sinh người Việt tại các nước. Đến giai đoạn thứ 3, công ty sẽ phát triển chiều ngang, mở rộng dịch vụ cho du học sinh các nước khác.
Nhà sáng lập chia sẻ, mô hình Student Life Care còn rất nhiều dư địa để phát triển và cạnh tranh, bởi hầu hết các đối thủ đều làm theo phương thức truyền thống. Trong khi đó, startup đang có các hệ thống công nghệ quản lý nhà ở, quản lý cộng tác viên và hệ thống giao việc, giúp tối ưu việc làm việc từ xa.
Thêm nữa, phí dịch vụ của các đối thủ đều rất đắt đỏ, không phù hợp với túi tiền người Việt. Quan trọng hơn, công ty do người Việt phục vụ nên các bậc phụ huynh cũng an tâm hơn.
Shark Linh: Chị rất thích mô hình của em. Chị đưa ra đề nghị là 300.000 USD cho 33% cổ phần.
Nhận thấy mô hình rất tiềm năng nhưng phụ thuộc nhiều vào yếu tố con người do đó Shark Hưng quyết định không đầu tư. Đồng quan điểm và cho rằng biểu đồ doanh thu 5 năm của startup còn quá khiêm tốn, Shark Phú cũng nhanh chóng từ chối.
Dựa trên biểu đồ doanh thu mà startup đưa ra, Shark Dzung nêu quan điểm: “Sau 4 năm value công ty chỉ có 4 triệu đô mà hiện tại em đã gọi 300.000 USD cho 12%, tức định giá 2,5 triệu đô sau khi gọi vốn. Em đưa cho nhà đầu tư một cơ hội mà sau 4 năm nữa doanh thu không được 2x (gấp 2 lần), nếu em là nhà đầu tư, em có đầu tư không?” .
Các nhà đầu tư nhận định dung lượng thị trường mà startup đưa ra là quá nhỏ. Chỉ có 150.000 học sinh trên toàn thế giới, giả sử mỗi học sinh chọn mua trọn gói dịch vụ thì con số thu về vẫn thực sự quá khiêm tốn.
Mặc dù bị đại đa số các nhà đầu tư đánh giá về bài toán thị trường, Student Life Care vẫn được Shark Linh đầu tư. Từng du học tại Hồng Kông và hiểu rõ những khó khăn của một du học sinh, Shark Linh nhận định đây là cơ hội không chỉ cho người Việt mà còn cho người nước ngoài có nhu cầu. Do vậy, nữ “cá mập” ra lời đề nghị đầu tư 300.000 USD nhưng đổi lấy 33% cổ phần.
Sau lời đề nghị của nữ Shark Linh hai Shark còn lại nhanh chóng đưa ra quyết định từ chối đầu tư. Shark Thủy chia sẻ mô hình này không bàn cãi về nhu cầu, tuy nhiên vì “miếng bánh” thị phần còn hạn hẹp nên Shark đành phải rút lui.
Với duy nhất một lời đề nghị đầu tư có được, startup mong muốn được thương lượng lại tỷ lệ cổ phần, đổi 33% thành 20%. Một phương án khác startup đưa ra là nâng số tiền lên 500.000 USD và giữ nguyên tỷ lệ cổ phần. Lý do vì startup đã được các nhà đầu tư bên ngoài định giá cao hơn.
Kiên quyết giữ nguyên mức cổ phần, Shark Linh đề nghị không thay đổi và chọn sẽ bàn bạc lại khi làm việc với các nhà đầu tư khác.
Trước phương án này, startup quyết định chấp nhận lời mời rót vốn từ Shark Linh: 300.000 USD cho 36% cổ phần công ty.