Hy vọng có bước nhảy, cô giáo “phố núi” Yên Bái kêu gọi 3 tỷ đồng cho 30% cổ phần
Tốt nghiệp sư phạm, từng có kinh nghiệm làm giáo viên, và từng là một cán bộ đoàn tại Yên Bái, cô giáo trẻ “phố núi” mang theo niềm đam mê ẩm thực chay đến chương trình với hy vọng gọi vốn được 3 tỷ đổi lấy 30% cổ phần.
Mở đầu phần trình bày, Lâm Hoài cho biết, Pema là một một nhà hàng thuần chay với các món ăn được chế biến từ các loại rau củ quả thiên nhiên và được nấu với tâm thành của người đầu bếp.
Điểm nhấn đặc biệt tạo nên hình ảnh đặc trưng riêng biệt cho Pema, nằm ở thực đơn gồm các vị thuốc, được chế biến từ các nguyên liệu lấy từ vùng núi cao và phỏng theo ẩm thực của người Tây Tạng. Ngoài ăn uống, thực khách còn có thể trải nghiệm không gian văn hóa mang đậm màu sắc phật giáo của giáo phái Mật Tông tại nhà hàng.
Nói về tình hình hiện tại, Lâm Hoài cho biết thêm, hiện Pema có 3 nhà hàng ở 3 khu vực khác nhau là Yên Bái, Thái Nguyên và Hàng Bè (Hà Nội). Trong đó, nhà hàng ở Yên Bái đã hoạt động được một năm với tổng doanh thu là 700 triệu đồng, lợi nhuận 140 triệu đồng. Hai cửa hàng còn lại đang trong quá trình chuẩn bị khai trương.
Để mở 3 nhà hàng trên, Lâm Hoài đã đầu tư 4 tỷ đồng, trong đó cô đã chi gần 800 triệu đồng cho mô hình tại Yên Bái với tổng 108 mét vuông và 100 chỗ ngồi. Tuy nhiên, trung bình một tháng nhà hàng chỉ có khoảng 100 khách.
Và nhận cam kết đầu tư 3 tỷ đồng đổi lấy 80% cổ phần từ Shark Thủy
Với doanh thu trên một điểm bán khoảng 700 triệu đồng/năm tức chỉ thu về khoảng hơn 60 triệu đồng/tháng, bất ngờ trước con số này các nhà đầu tư cho rằng doanh thu như vậy là quá thấp và lập tức đặt ra câu hỏi về khả năng tồn tại của mô hình.
Lâm Hoài lý giải, rằng bản thân còn thiếu kinh nghiệm quản trị và nhận định Yên Bái có thị trường hẹp nên doanh thu chưa cao. Trước sự việc này, các nhà đầu tư cho rằng cô đã lựa chọn thị trường không có tiềm năng. Không chỉ với Yên Bái, nhà hàng thứ hai ở Thái Nguyên cũng bị cho là đặt sai địa điểm.
Shark Hưng phân tích với 100 chỗ ngồi, mỗi ngày phục vụ 2 ca, trung bình Pema phải có khoảng 200 khách/ngày, tương đương 6000 khách/tháng. Tuy nhiên hiện tại nhà hàng chỉ thu hút hơn 100 khách/tháng, tức chỉ bằng 1/600. Do đó nhà sáng lập cần xem xét lại hiệu suất hoạt động.
Cho rằng bản thân một cửa hàng vẫn chưa hoàn chỉnh mô hình để điền đầy lượng khách cũng như chưa có công thức để nhân rộng chuỗi, Shark Phú nhanh chóng quyết định không đầu tư.
Tiếp nối, dù cho đây là một ý tưởng khá hay, Shark Linh cũng đưa ra quyết định từ chối đầu tư, nhất là tại thời điểm này, vì cho rằng startup đang thiếu tầm nhìn và kế hoạch để thương mại hóa ý tưởng.
Tuy cho rằng ăn chay hiện nay đang là xu thế và dành lời khen ngợi cho tài nấu nướng của startup, nhưng để đầu tư vào một nhà hàng chỉ khai thác được 1% công suất, 99% công suất còn lại không biết khai thác như thế nào, Shark Dzung từ chối rót vốn.
Đồng tình với ý kiến các shark, Shark Hưng cũng đưa ra lời từ chối đầu tư cho startup này.
Sau 4 cái lắc đầu từ phía các nhà đầu tư, Shark Thủy cũng lên tiếng khuyên startup nên đóng cửa nhà hàng. Tuy nhiên nữ startup chia sẻ, các nhà hàng hiện tại vẫn đủ duy trì và tạo lợi nhuận. Thêm nữa, sau một thời gian kinh doanh, nhà sáng lập đã rút ra được nhiều kinh nghiệm và đã có được những hướng đi trong tương lai. Do vậy, hiện tại nữ startup đang rất cần một nhà đầu tư, đồng hành cho những dự án mở rộng sau này.
Nhìn thấy đam mê của nữ startup và cũng hứng thú với mô hình, sau khi cân nhắc, Shark Thủy quyết định đầu tư vào Pema, và nêu quan điểm: “Anh cũng có kế hoạch muốn kinh doanh nhà hàng chay. Tuy nhiên để làm mô hình này cần một niềm đam mê vì nó rất đặc thù, nếu đơn giản chỉ là kinh doanh thì sẽ không làm được.
Nhưng nếu chỉ là một ý tưởng như em mà không hiểu về kinh doanh thì cũng không làm được. Nhưng chỉ có điều, 3 cửa hàng của em concept sai, em đặt ở những chỗ người ta không có nhu cầu và nếu kinh doanh với mức doanh thu thấp như vậy, mình không nên mở. Anh nghĩ có thể mở ở Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh.
“3 cửa hàng của em anh đầu tư vào 3 tỷ, anh chiếm 80%. 3 cửa hàng này chiếm 10%, 10% còn lại là KPI để em làm việc, tức là em có 20% cổ phần. Tức là chúng ta vẫn tiếp tục làm, nhưng làm ở đâu, làm như thế nào để thương hiệu Pema tới tầm thì anh sẽ là người quyết định, còn linh hồn của nó là em. Anh sẽ cùng em khởi nghiệp và nếu đạt KPI anh sẽ đầu tư thêm để nhân rộng chuỗi”, Shark Thủy đưa ra đề nghị.
Nhận thấy tâm huyết của Shark Thủy, sau giây phút suy nghĩ, founder của Pema startup quyết định chấp nhận lời mời đầu tư.