Trên sóng truyền hình, các startup đã phải "đấu trí" căng thẳng để kêu gọi các shark đầu tư vào doanh nghiệp mình theo phần trăm cổ phần và các điều kiện nhất định. Nhưng đó chỉ mới là đoạn đầu của cuộc hành trình gian nan.
Bước ra khỏi cánh cửa Shark Tank, cả hai bên còn phải tiến hành thẩm định doanh nghiệp, đau đầu nhức não với các chỉ số tài chính hay mô hình kinh doanh trên thực tế... Quá trình này có thể kéo dài không hồi kết, nên rất bất ngờ khi shark Tank mùa 3 còn chưa khép lại, đã có đến 2 startup được nhà đầu tư xuống tiền thực rót nhanh như chớp.
1. Shark Việt giải ngân với Triip
Ở tập 3, Hải Hồ - đồng sáng lập kiêm CEO của Triip đã thành công kêu gọi shark Việt đầu tư 500.000 USD để đổi lấy 6,6% cổ phần công ty. Trong đó, 500.000 USD đổi lấy 5% cổ phần trực tiếp, 1,6% còn lại là từ Employee Stock Option (ESO - quyền mua cổ phiếu dành cho nhân viên) với điều kiện shark Việt làm việc cho Triip 1 giờ/tuần.
Triip đã đứng trước bể cá mập, thuyết phục các shark và khán giả bằng khát vọng trở thành ứng dụng công nghệ blockchain trong lĩnh vực du lịch lớn nhất thế giới.
Sau khi bắt tay cam kết trên sóng truyền hình, 2 bên đã tiến hành thẩm định với thời gian nhanh kỷ lục - trong vòng có 30 ngày. Kế đó shark Nguyễn Thanh Việt - Chủ tịch Intracom đã thực rót vào startup này.
BTC Shark Tank Việt Nam cũng xác nhận đây là thương vụ đầu tiên của mùa 3 thẩm định thành công, đồng thời cũng có thời gian thẩm định thần tốc nhất trong tất cả phiên bản Shark Tank toàn thế giới.
Lễ ký kết đầu tư giữa Intracom và Triip (Ảnh: Pháp Luật Plus)
Nhưng không chỉ có rót vốn nhanh cho startup, shark Việt còn thể hiện quyết tâm đi đường dài khi đã cùng đội ngũ Triip đến Bhutan cùng nhau. "Một cuộc hành trình thực sự không phải được tính bằng dặm, mà bằng những người bạn đồng hành" - shark Việt chia sẻ.
Đại diện cho Triip, CEO Hải Hồ cũng khẳng định: “Đi du lịch là cách tốt nhất để hiểu nhau. Cho nên chúng tôi cũng có 5 ngày 4 đêm ăn ngủ cùng nhau để cảm nhận đây có thực sự là người phù hợp để đi đường dài hay không”.
Bhutan cũng là địa điểm được Hải Hồ lấy làm ví dụ khi thuyết phục các shark xuống tiền đầu tư cho ứng dụng về du lịch của mình.
2. Shark Hưng giải ngân với Astra
Trong tập 9, nhà sáng lập kiêm CEO Nguyễn Tiệp của mạng xã hội du lịch Astra đã “câu cá mập” thành công - đó là shark Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch Tập đoàn CEN Group.
Theo đội ngũ sáng lập, Astra là mạng xã hội về du lịch sử dụng mô hình trả thưởng cho người dùng và áp dụng công nghệ blockchain đảm bảo sự công bằng, minh bạch và hiệu quả.
Sau màn thương thuyết căng thẳng, shark Hưng đã đồng ý rót vốn 1 triệu USD và tiến hành giải ngân từng phần. Cụ thể, 150.000 USD cho 5%, 850.000 USD cho 10% cổ phần còn lại khi mô hình kinh doanh của Astra được các chuyên gia đánh giá tin cậy.
Điều bất ngờ nhất là khi startup xuất hiện trên sóng truyền hình thì 5 ngày sau cũng cũng được thực rót và làm lễ ra mắt luôn!
Lễ ra mắt MXH du lịch Astra (Ảnh: VOV)
Trong bài phát biểu ra mắt Astra hôm 21/9, CEO Nguyễn Tiệp khẳng định: "Trong khi các nền tảng MXH khác đang dần bị pha loãng thì Astra tập trung vào thị trường ngách là du lịch, nên nội dung sẽ đơn giản và thân thiện hơn. Đặc biệt, Astra ra đời để thay đổi thói quen du lịch thụ động của người Việt. Năm 2018, du lịch đóng góp 26 tỉ USD vào tổng giá trị nền kinh tế”.
Shark Hưng cũng có những lý giải về nguyên nhân xuống tiền ngay với dự án này. "Những mô hình review về du lịch, dịch vụ đang ngày càng phổ biến, như trên thế giới có TripAdvisor... Hơn nữa, bạn không nên xây nhà trên đất của người khác. Gần đây, nhà nước đang khuyến khích phát triển các nền tảng MXH do người Việt tạo ra”.
Như vậy, không hẹn mà gặp, hai startup về lĩnh vực du lịch, ứng dụng công nghệ blockchain đã được các nhà đầu tư thẩm định và rót vốn thần tốc, nhanh như một cơn gió!
Nhìn lại 11 thương vụ đã được giải ngân ở mùa 2
Trước đó vào tháng 4/2019, Shark Tank Việt Nam đã đưa ra những con số ấn tượng của mùa 2, ghi nhận quá trình thẩm định nhanh và rót vốn kỷ lục.
11 thương vụ đã nhận được giải ngân từ các nhà đầu tư của Shark Tank mùa 2 (tính đến tháng 4/2019). Ảnh: Shark Tank Việt Nam
11 thương vụ trên đây thuộc về các cá mập cụ thể như sau: Shark Hưng (Mopo, Bống chè bưởi - chung với shark Thủy, ShoeX), Shark Thủy (Pema, We Escape, Talks café, Bống chè bưởi - chung với shark Hưng), Shark Việt (CDTS), Shark Louis (Hoa Nắng), Shark Dzung (ViralWorks, JobsGo), Shark Phú (Dota).