Sau 3 tập của Shark Tank Việt Nam mùa 3, khán giả đã được chứng kiến nhiều thương vụ gọi vốn đặc biệt, có quy mô khủng như màn "gọi vốn 12 triệu USD của triệu phú tự thân", hay startup về game Sử Hộ Vương gây tranh cãi vì "đụng chạm" tới các nhân vật lịch sử Việt Nam.
Dù tích cực hay tiêu cực, các startup kể trên đã làm tăng thêm độ hấp dẫn, kịch tích cho chương trình. Mùa này, dàn "cá mập" cũng đã ít nhiều gây được sự ấn tượng bởi những phân tích chuyên môn cặn kẽ và các phát ngôn hài hước, thâm sâu.
Tuy vậy, các khán giả "ruột" vẫn thấy hụt hẫng khi chương trình năm nay thiếu đi "cá mập" Nguyễn Xuân Phú - người biết cách gây bối rối cho startup với câu hỏi quen thuộc: "Nếu thất bại, em có dám về làm việc cho anh?"
Vậy điều gì đã khiến Shark Phú rời chương trình sau hai mùa gắn bó?
Mới đây, Shark Phú đã có dịp chia sẻ với báo chí về quyết định này. Theo Trí Thức Trẻ, Chủ tịch HĐQT Sunhouse nói: "Trong tâm niệm, tôi luôn mong muốn sẽ tham gia lâu dài với Shark Tank Việt Nam".
Nhưng qua một kênh thông tin mạng xã hội, Shark Phú nhận ra doanh nghiệp của ông vẫn chưa thể làm hài lòng khách hàng:
"Tôi nhận ra câu chuyện của chính mình: Sunhouse cần chuyển mình, để vươn lên một tầm cao mới". .Trong một số thời điểm, Sunhouse lựa chọn chiến lược kinh doanh phát triển nhanh, tập trung vào mở rộng thị trường. Đồng thời, ban đầu khởi động với các nhà máy Sunhouse sản xuất đồ gia dụng nhà bếp như xoong, nồi, chảo..., công nghệ và quản trị chất lượng không quá khó. Nhưng khi Sunhouse mở rộng sang các lĩnh vực khác, đặc biệt như hàng điện máy, gia dụng lớn như quạt điều hòa, điều hòa, thì vấn đề kiểm soát chất lượng hàng hóa là chuyện khó khăn hơn rất nhiều", ông Phú nói.
Từ đó, ông quyết tâm cải tổ lại doanh nghiệp, xây dựng một chiến lược dài hạn để nâng tầm Sunhouse. Để làm được điều này, người lãnh đạo buộc phải "toàn tâm toàn ý" dành thời gian cho công việc.
"Những công việc mang tính bước ngoặt của Sunhouse muốn hoàn thành cần sự tập trung cao độ của người lãnh đạo cao nhất. Chính vì vậy, mùa vừa rồi tôi đã quyết định không tham gia Shark Tank Việt Nam" - Shark Phú lý giải.
Ông cũng chia sẻ những kỷ niệm đang nhớ sau hai mùa tham gia chương trình. Đó là một lần ông cùng bộ phận đầu tư xuống tận Bến Tre khảo sát và thẩm định startup để đưa ra quyết định đầu tư sau khi chương trình Shark Tank Việt Nam đóng máy.
"Cuối cùng, tôi quyết định không đầu tư", Shark Phú thâm trầm.
Ông Phú cho biết, nếu một ngày quay trở lại Shark Tank, ông sẽ thay đổi lại chiến lược đầu tư, tránh đầu tư tràn lan.
Thực tế, trong một bài phỏng vấn hồi đầu năm cùng Zing, Shark Phú thừa nhận ông vẫn chưa thấy tín hiệu khả quan nào từ các thương vụ đã "chốt deal" trên sóng truyền hình:
"Nói thật, nếu xét về góc độ đầu tư, chúng tôi không được vụ nào.
Đó là điều hơi đáng buồn vì thực trạng, nền tảng của các startup còn quá non trẻ, thiếu quá nhiều điều kiện, cơ hội thành công trong thương trường không cao. Tỷ lệ thất bại là rất rất cao, lên đến 99%. Tôi đang hy vọng 1% còn lại có thể rơi vào mình, may mắn được một vụ nào đó."
Hiện tại, ông vẫn để ngỏ khả năng quay lại Shark Tank vào một thời điểm nào khác. Và nếu có dịp trở lại, khán giả có thể sẽ được chứng kiến một Shark Phú căn cơ, khó tính hơn gấp nhiều lần. Ông chia sẻ mình sẽ sàng lọc, chọn lựa startup kỹ càng hơn nữa:
"Nếu tham gia Shark Tank trở lại trong tương lai, chắc chắn tôi sẽ tập trung vào một vài lĩnh vực, đặc biệt startup đó phải nằm trong chuỗi giá trị của Sunhouse thì mới đầu tư. Trước đây tôi cũng đầu tư rất nhiều lĩnh vực khác, nhưng quả thực thương vụ không đủ hấp dẫn để bỏ thời gian, công sức đi cùng các bạn đó, nên tỷ lệ thất bại quá cao".
"Mùa này tôi rút khỏi Shark Tank cũng là để tĩnh tâm, đánh giá lại, xem nếu tham gia trong tương lai phải điều chỉnh lại chiến lược đầu tư. Bởi các startup ngoài tiền đầu tư họ cần các Shark hỗ trợ về định hướng, kinh nghiệm và cả nguồn lực hệ thống thì mới có khả năng thành công cao được", Shark Phú cho biết.