Những câu hỏi xoay quanh chủ đề: Startup từ số không có nên nhắm đến tiêu chí bền vững ngay từ đầu? Khi nào nên gọi vốn cho các nhà đầu tư? Thu hút nhân sự? Làm sao giữ chân nhân tài không trở thành đối thủ của mình? Những câu hỏi này được các doanh nhân lý giải dưới nhiều góc nhìn khác nhau trong sự kiện CEO chìa khoá thành công - CEO Forum 2019 vừa tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh.
Khởi nghiệp từ số không hay có sẵn nền tảng
Phiên thảo luận được dẫn dắt bởi ông Robert Trần - Giám đốc điều hành Tập đoàn Tư vấn chiến lược RBNC với nhiều ý kiến về việc làm sao để biến ý tưởng thành một doanh nghiệp kinh doanh thành công. Shark Nguyễn Thanh Việt cho biết với những người mới khởi nghiệp khó nhất là chọn đúng người, trao đúng việc.
Ông Lý Quý Trung, nhà sáng lập phở 24 cho rằng các doanh nghiệp startup lần đầu (từ số 0) thường mắc sai lầm là thích gì làm nấy, đam mê cái gì khởi nghiệp cái đó, dùng “trái tim” quá nhiều. Trong khi đó với người startup lần 2, lần 3 thì lại nghiêng về lý trí, thấy tiềm năng thị trường hay lĩnh vực nào có thể kinh doanh là làm.
Ông Trần Thanh Hải - CEO Be Group, những thách thức khi khởi nghiệp với một lĩnh vực không mới mẻ, đầy cạnh tranh cụ thể ở Be chính là khung pháp lý không rõ ràng để thúc đẩy và phát triển.
Ông Robert Trần đặt vấn đề: "Nhiều chủ doanh nghiệp nói rằng họ đã có 50 - 100 năm phát triển nhưng tại sao các công ty khởi nghiệp (startup) mới 5 - 7 năm đã phát triển bằng chúng tôi. Vậy nếu khởi nghiệp từ zero thì thách thức là gì? Chẳng hạn Công ty Cổ phần Be Group hoạt động theo mô hình gọi xe công nghệ, ý tưởng này không mới trên thế giới và cũng không còn mới ở Việt Nam. Vậy làm thế nào để thành công?".
“Mô hình ứng dụng gọi xe của công ty không mới nên khi đưa vào khởi nghiệp là cực kỳ thách thức. Đặc biệt, trong quá trình làm thì chúng ta cũng phải ghi nhận những vấn đề, cân nhắc những cái chưa được... Phải thật sự yêu ý tưởng của mình, đam mê và dồn toàn bộ tâm sức thì mới tìm được lối đi rõ ràng để biến ý tưởng thành hiện thực” - ông Trần Thanh Hải chia sẻ thêm.
Khi nào nên gọi vốn?
Trong quá trình khởi nghiệp, các công ty đều cần vốn và đa số sẽ trải qua các giai đoạn gọi vốn từ các cổ đông, quỹ đầu tư. Vậy làm thế nào để một startup cân bằng được với vị thế của quỹ đầu tư mà không bị “ăn hiếp”? - ông Robert Trần đặt vấn đề.
Với câu hỏi này, ông Trần Thanh Hải cho rằng, khi bắt đầu khởi nghiệp từ những con số zero thì vốn luôn quan trọng. Tuy nhiên, quan trọng hơn cả đó là mình có niềm tin vào việc mình đang làm hay không, sản phẩm của mình có đủ tốt hay chưa. Nếu bạn có sản phẩm tốt, chắc chắn sẽ có quỹ để mắt đến.
Đặc biệt, không nên đặt nặng vấn đề hơn thua khi đi gọi vốn vì không phải ai cũng muốn can thiệp vào công việc của founder hay chi phối việc quản lý doanh nghiệp, nhiều nhà đầu tư chỉ xem doanh nghiệp của bạn như một cơ hội đầu tư.
Theo quan điểm cá nhân của ông, các startup, nhất là trong lĩnh vực công nghệ nên đi gọi vốn. Ngoài việc có thêm nguồn lực để ta mở rộng thị trường nhanh hơn còn để chứng minh nếu gọi vốn thành công tức những gì chúng ta làm là đúng, củng cố thêm lòng tin cho các founder cũng như đội ngũ. Nếu bạn không đi gọi vốn, có thể bạn không biết chuyện bạn đang làm có đúng hay không và có đáng giá để theo đuổi hay không.
Về bài toán gọi vốn, với khẩu vị cá mập, Shark Nguyễn Thanh Việt nêu quan điểm: “Mô hình kinh doanh được chuẩn bị kỹ chỉ có thằng điên mới không rót vốn. Startup cần tìm một người cố vấn”.
Liên quan đến tài chính, làm cách nào startup có thể mở được các cánh cửa của nhà đầu tư, Shark Việt tiết lộ: “Phải tầm sư học đạo, tìm người cố vấn cho mình đã từng xông pha trận mạc. Tôi tham gia chương trình Shark Tank Việt Nam cũng là để giúp các bạn khởi nghiệp, để hạn chế các rủi ro. Người thông minh có thể không có nhiều tiền nhưng người nhiều tiền chắc chắn thông minh. Thuyết phục được họ bạn phải thành thật với chính mình trước đã. Cân bằng giữa lòng tham của mình và lòng tham của nhà đầu tư.
Chia sẻ lời khuyên với các startup, ông Lý Quý Trung lưu ý, trước khi có nhà đầu tư cá mập, startup cần kêu gọi người thân, bạn bè, đặc biệt các nhà đầu tư thiên thần. Doanh nghiệp dù lớn dù nhỏ, muốn lớn hơn phải quản trị bằng hệ thống, kể cả doanh nghiệp gia đình. Trong rất nhiều thứ phải chuẩn bị thì nên chuẩn bị con người trước để có thể đi tới tương lai.
Nhân sự sẽ quyết định thành công
Cuối phiên, các CEO thảo luận xung quanh vấn đề nhân sự - một vấn đề không kém phần quan trọng sống còn của các doanh nghiệp. Nhiều ý kiến lo lắng về việc tuyển và giữ chân nhân viên giỏi.
Đại diện một doanh nghiệp đặt câu hỏi: Làm sao để giữ chân nhân sự và cách nào để nhân viên không trở thành đối thủ của mình? Nhiều doanh nghiệp cho biết khó khăn trong việc tuyển dụng và giữ nhân sự giỏi. Nhưng lại có doanh nghiệp “khổ” vì quá nhiều người giỏi và cạnh tranh lẫn nhau.
Ông Trần Thanh Hải cho biết tại be có rất nhiều người giỏi. Vì vậy, để quản trị họ, Be sử dụng cách cho mọi người tự quản lý, CEO chỉ hỗ trợ cấp dưới phát huy khả năng của mình.
Với chủ đề nhân sự, ông Trung nêu quan điểm, biến nhân viên trụ cột thành đồng sự, đối tác của mình. Với nhân viên giỏi, nhiều công ty áp dụng chính sách biến họ thành đồng sở hữu công ty, thứ hai giúp họ bành trướng thương hiệu của mình sang những thành phố khác, tỉnh khác. Quan trọng là phải làm sao để những người giỏi trở thành đồng sự, hoặc mở chi nhánh cho họ làm chủ, đem theo thương hiệu của mình đi xa, để né bớt đối thủ cạnh tranh.
Làm cách nào cho nhân viên không trở thành đối thủ của mình? Theo ông Việt, quan trọng nhất là xử thế. “Huy động nhân lực, giữ người là khó nhất. Giống như gọi vốn, phải đi giữa mong muốn của mình và của nhân viên. Lệch về mình thì mọi người không đi cùng nữa, lệch về nhân viên thì mất rất nhiều tiền. Người làm vua giỏi nhất là quản lý được những người giỏi, nếu 2 người cùng 1 lĩnh vực thì chia tách ra. Người tài cũng có điểm yếu, phải nhìn thật sâu vào họ để biết họ thích gì? Có người chiều về thích đi nhậu một tí, có người thích mỗi tuần ông chủ phải ngồi với mình một tí… Thuyền to sóng lớn, doanh nghiệp nào cũng cần nhân sự, phải biết cách giao khoán việc cho họ, tách họ ra. Ngoài việc làm kinh doanh, bạn phải hình thành một bộ phận nhân sự tốt nhất phù hợp quy mô doanh nghiệp. Khi bé đi đôi giày nhỏ, tìm người phù hợp, khi lớn tìm người giỏi hơn chút, quan trọng nhất vẫn phải là tình người” - Shark Việt bộc bạch.