Ngày pháp luật

Shark Minh Beta độc quyền đàm phán, ra deal đỉnh với startup Box Dance - mô hình trò chơi xu thế mới cho giới trẻ

Giang Phạm

Box Dance tự tin hoàn vốn chỉ 9 tháng nhưng không khiến các “cá mập” hứng thú vì cho rằng dễ thoái trào.

Tại tập 7 Shark Tank Việt Nam mùa 7, startup Box Dance - một mô hình trò chơi kết hợp thể thao mới mẻ - đã gây chú ý với màn gọi vốn đầy tự tin và tham vọng.

Box Dance Fitness Gaming (Box Dance) là mô hình trò chơi kết hợp thể thao và yếu tố chiến thuật. Điểm nổi bật của Box Dance là sự linh hoạt trong đối tượng khách hàng, khi bất kỳ ai từ 6 tuổi trở lên đều có thể tham gia. Với hơn 40 cấp độ trò chơi từ dễ đến khó, mô hình này không chỉ thu hút trẻ em mà còn hướng đến giới trẻ và người lớn.

Giá mỗi lượt chơi là 100.000đ trong vòng 15 phút, bán kèm theo tất chống trơn 20.000đ/đôi. Bên cạnh đó, Box Dance cũng bán kèm nước giải khát và đồ ăn.

Hiện tại, Box Dance đã có hai điểm chơi tại các trung tâm thương mại lớn ở Hà Nội là Royal City và Times City, với kế hoạch mở rộng thêm ở TP.HCM. Đại diện của Box Dance cũng tiết lộ tỷ lệ người chơi quay lại thường trên 30%. 

Shark Minh Beta độc quyền đàm phán, ra deal đỉnh với startup Box Dance - mô hình trò chơi xu thế mới cho giới trẻ - Ảnh 1

Ý tưởng này được lấy cảm hứng từ một mô hình trò chơi tại Mỹ. Tuy nhiên, đội ngũ Box Dance đã tự phát triển phần mềm và các hiệu ứng game, biến nó thành sản phẩm độc đáo phù hợp với thị hiếu và nhu cầu của người Việt Nam.

Về doanh thu, theo chị Đào Phương Lê – Giám đốc điều hành của Box Dance, sau 6 tháng vận hành, một ngày mỗi địa điểm Box Dance đón được khoảng 130 người chơi, doanh thu cao điểm là 25 triệu và thấp điểm là 8 triệu/ngày. Doanh thu tháng cao nhất ghi nhận là 400 triệu, lợi nhuận mỗi tháng là 200 triệu.

Với mức đầu tư 1,8 tỷ đồng ban đầu, Box Dance dự tính 9 tháng có thể hoàn vốn.

Anh Lê Thanh Hải, Founder kiêm Giám đốc kỹ thuật của Box Dance cho biết, startup đã thành công trong việc thu hút sự chú ý của người chơi, khi các video và hình ảnh về trò chơi được người chơi tự đăng tải trên mạng xã hội. Nhờ đó, chi phí marketing của Box Dance ở mức rất thấp, trong khi độ nhận diện thương hiệu tăng cao.

Đến Shark Tank, Box Dance gọi vốn 10 tỷ cho 20% cổ phần để mở rộng mô hình kinh doanh. Cụ thể, 5 tỷ để mở thêm hai điểm ở thành phố Hồ Chí Minh và 5 tỷ còn lại dùng để R&D các game mới. Tuy nhiên, định giá cao của startup đã khiến các Shark tỏ ra e ngại.

Theo đại diện Box Dance, startup có thể mở rộng sang Thái Lan vì theo tìm hiểu của nhóm sáng lập, Thái Lan có nhiều trung tâm thương mại vẫn chưa có các địa điểm trò chơi hấp dẫn cho khách du lịch và cư dân.

Shark Minh Beta độc quyền đàm phán, ra deal đỉnh với startup Box Dance - mô hình trò chơi xu thế mới cho giới trẻ - Ảnh 2

Trả lời câu hỏi của Shark Minh Beta “tại sao một địa điểm cần đến 2,5 tỷ đồng?”. Box Dance cho biết chi phí này chủ yếu dành đầu tư cho ba phòng game tại mỗi địa điểm. Mỗi máy chơi game, Box Dance đang bán nhượng quyền trong một phòng là 500 triệu. Nếu tự setup toàn bộ sẽ khoảng 350 triệu và có thể tối ưu xuống khoảng 200 triệu một phòng.

Dù mô hình Box Dance hấp dẫn, các Shark đều đặt nghi vấn về tính bền vững lâu dài. Shark Bình từ chối đầu tư với lý do rằng đây là một sản phẩm theo xu hướng, dễ thoái trào sau một thời gian ngắn. Shark Bình cho rằng chi phí thuê mặt bằng tại trung tâm thương mại là quá cao, và số tiền đầu tư vào Box Dance có thể được sử dụng hiệu quả hơn trong các lĩnh vực khác.

Shark Hưng cũng đồng ý với quan điểm của Shark Bình, khi cho rằng lĩnh vực vui chơi, giải trí không phải là thế mạnh của ông, và khả năng phát triển của Box Dance không đủ thuyết phục về mặt tài chính.

Shark Nga thì khuyên Box Dance nên xem xét thêm việc mở rộng đối tượng khách hàng, nhắm đến các trường học để khuyến khích học sinh vận động.

Shark Thái đánh giá cao sự sáng tạo của startup, đồng thời khuyên startup nên có chiến lược quản trị rủi ro vì những lĩnh vực theo trend sẽ bùng phát nhanh, giàu nhanh nhưng dễ thoái trào. Tuy nhiên, dưới góc độ của nhà đầu tư thì ông không ra deal cho thương vụ này.  

Với sự từ chối của các Shark khác, Shark Minh Beta đã chiếm ưu thế và đề xuất một thương vụ độc quyền. Ở thế thượng phong, shark Minh Beta tranh thủ “khoe” thành tích nhượng quyền các cụm rạp chiếu phim của Beta Group: “Bọn anh đã nhượng quyền được năm cụm rạp trên toàn quốc và thường 3 năm là họ hoàn vốn, 3 năm là mốc rất tuyệt vời của ngành rạp phim. Để làm được điều đó, đội ngũ Beta Group đã mất đến 10 năm hoàn thiện tất cả các khâu xây dựng đội ngũ, nghiên cứu tất cả mọi thứ. Nếu các em tham gia cùng anh, anh giúp được các em phần đấy".

Sau khi hội ý, startup mong muốn chia sẻ 25% cổ phần của công ty lấy 2 tỷ tiền mặt để mở sẵn một điểm không phải ở Hồ Chí Minh và Hà Nội, có thể là Đà Nẵng, 80% còn lại có thể dùng phần giá trị của Beta Group. Startup cũng trình bày thêm mục tiêu phủ rộng khắp Việt Nam. Tuy nhiên, Shark Minh không đồng ý định hướng này.

Shark Minh Beta độc quyền đàm phán, ra deal đỉnh với startup Box Dance - mô hình trò chơi xu thế mới cho giới trẻ - Ảnh 3

Chủ tịch Beta Group cho rằng: “Anh nghĩ mình đánh chiếm ở đâu thì cho chắc ăn ở đấy, câu chuyện phủ khắp Việt Nam chỉ “ve vuốt” cái tôi của các em thôi chứ nó không giúp cho kinh doanh đâu. Một đồng tiền anh đầu tư ra ngoài anh phải rất là yên tâm”.

Shark Minh Beta cho rằng startup nên đợi thêm lợi nhuận để mở điểm mới chứ không thể nào chỉ dùng số tiền kêu gọi đầu tư. Đồng thời sửa “nhẹ” deal, vẫn là 10 tỷ đồng cho 40% cổ phần nhưng sẽ là 1,5 tỷ tiền mặt, 8,5 tỷ còn lại là in-kind. Nhận thấy không thể xoay chuyển Shark Minh Beta, startup vui vẻ nhận deal này. Chốt lại thương vụ gọi vốn thành công.

Tin Cùng Chuyên Mục