Ngày pháp luật

Shark Hưng từng 'cắm nhà' để đầu tư nhưng thất bại và đây là bài học quý giá cho startup

Theo Thảo Nguyên/Trí Thức Trẻ

Người thành công là người thất bại 7 lần và đứng dậy ở lần thứ 8. Hay nói cách khác số lần đứng dậy khởi nghiệp lớn hơn số lần thất bại.

Bốn nấc thang trưởng thành của mỗi người

"Khởi nghiệp tôi hầu như chưa thất bại, có thể chưa thành công như mong muốn thôi chứ không có thất bại. Tôi có một vài thất bại trong đầu tư", shark Phạm Thanh Hưng trả lời khi được hỏi về thất bại khiến mình học được nhiều bài học nhất trong chương trình Cafe khởi nghiệp cách đây không lâu.

Doanh nhân này cũng thẳng thắn chia sẻ về thất bại trong đầu tư khi còn trẻ. Shark Hưng cho biết mình cũng đầu tư từ rất lâu vào Đà Nẵng khi nơi đây còn đang là một thành phố rất sơ khai, khoảng 20 năm trước.

"Trong đầu tư mình tính toán dòng tiền, 20 năm trước mình cũng hơi theo phong trào, thấy nhiều người đầu tư thì mình cũng đầu tư. Và vì số tiền của mình cũng chưa nhiều lắm nên đầu tư những nơi xa và chờ mãi không thấy đường sá, hạ tầng phát triển đến. Và mình cứ nuôi nó mãi, nuôi mãi không nuôi nổi nữa thì bán với giá lỗ rất lớn", Shark Hưng kể lại.

Shark Hưng từng 'cắm nhà' để đầu tư nhưng thất bại và đây là bài học quý giá cho startup - Ảnh 1

 

Nhìn lại lần đầu tư thất bại này, phó chủ tịch Cengroup cho rằng: Nhà đầu tư là level cao nhất của 4 bậc thang trưởng thành của mỗi một con người.

Theo phân tích của shark Hưng, đầu tiên khi bạn ra trường, bạn đi làm thuê là employee. Lên mức cao hơn là bạn lập nghiệp nhưng khi các bạn chưa có tiền thì các bạn tự làm thuê cho chính bản thân mình đó la self-employ: Tự thuê mình để làm cho chính mình. Như các bạn nhìn thấy trên shark tank Việt Nam là có nhiều bạn startup làm việc không nhận lương, đó chính là làm thuê cho chính bản thân mình. Khi các bạn thành công hơn một chút nữa thì bạn thành employer là người sử dụng lao động. Và cao nhất là investor, không điều hành, không quan tâm mà bỏ tiền ra người khác làm cho mình. Việc trở thành nhà đầu tư là một level cao hơn hẳn.

"Có lẽ nếu nói sai lầm của tôi ở tuổi trẻ là khi tích lũy được chút tiền đã vượt qua ngay 2 mức kia để trở thành nhà đầu tư ngay, bởi vì vậy mình phải trả giá. Tất nhiên khoản đầu tư của tôi không quá lớn, bây giờ nhìn lại thì nó nhỏ nhưng thực sự ở thời điểm đó cũng là một mất mát cũng khá nguy hiểm. Thậm chí nhà cửa đến mức mang đi gửi ngân hàng nhưng cũng may mình tìm cách xoay xở để lấy lại được, chưa đến nỗi cho cả nhà ra đường", shark Hưng nhìn nhận.

Shark Hưng từng 'cắm nhà' để đầu tư nhưng thất bại và đây là bài học quý giá cho startup - Ảnh 2

 

Người thành công là người thất bại 7 lần và đứng dậy ở lần thứ 8

Từ chia sẻ về thất bại của bản thân, ông cũng cho rằng người thành công là người thất bại 7 lần và đứng dậy ở lần thứ 8. Hay nói cách khác số lần đứng dậy khởi nghiệp lớn hơn số lần thất bại. Việc thất bại và đứng dậy là cần thiết nhưng không có nghĩa rằng mỗi một lần đứng dậy chúng ta lại làm giống hệt như lần cũ. Không bao giờ được phép mong chờ kết quả mới từ cách làm cũ.

Do vậy shark Hưng cho rằng những người khởi nghiệp lại phải có cách làm mới, các bạn phải nghĩ tại sao chúng ta thất bại và liệu lần này chúng ta có cái gì đó để cải tiến nó hay không.

"Khi chúng ta nói thất bại là cha đẻ thành công nhưng trong rất nhiều trường hợp thì nó là thần chết của thành công vì nó làm các bạn nhụt chí. Đừng có nhụt chí nhưng cũng đừng là theo kiểu Đông ki sốt, nhắm mắt vào làm việc vô nghĩa. Các bạn phải nghĩ ra cách khắc phục cho lần thất bại đó để lần khởi nghiệp tiếp theo mới thành công được", vị này phân tích 2 chiều tác dụng của thất bại.

Những chia sẻ của shark Hưng cũng giống nhận định mà tạp chí Forbes từng viết. Tờ báo này cho rằng các doanh nhân và nhiều người thành công khác đã quá quen với thất bại và hồi phục, xây dựng lại, chấp nhận rủi ro và thất bại một lần nữa đến nỗi họ không còn phân biệt giữa thành công và thất bại. Đối với họ, tất cả chỉ là học tập - loại vui vẻ và không vui vẻ.

Sau đây là 10 bài học cuộc sống bạn chỉ có thể học qua thất bại mà Forbes liệt kê ra:

1. Những điều đau đớn có thể xảy ra với bạn và bạn sẽ sống sót qua chúng.

2. Khi bạn cảm thấy tệ nhất, bạn nhận ra rằng bạn có thứ mà không ai có thể lấy đi được: Sự kiên cường, đạo đức và tất cả những phẩm chất khác giúp bạn trở thành một người mạnh mẽ.

3. Những người giỏi hơn từng khẳng định "Ý tưởng này không thể thất bại!" không phải lúc nào cũng đúng. Luôn tin tưởng tiếng nói từ bản thân bạn - đây là hướng dẫn đáng tin cậy nhất bạn có.

4. Khi bạn thất vọng, bạn sẽ biết ai là người bạn thật sự của mình.

5. Vấp ngã, đứng dậy và thử lại là cách xây dựng cơ bắp. Trên thực tế, đó là cách duy nhất. Bạn không trở nên mạnh mẽ hơn bằng cách chèo thuyền qua cuộc sống mà không gặp phải trở ngại nào.

6. Những gì bạn cảm nhận như thất bại trong thời điểm áp chót sẽ bài học mạnh mẽ và giúp bạn rất nhiều trong tương lai.

7. Nếu người khác muốn chế nhạo bạn vì họ nghĩ bạn là người thất bại, cũng tốt thôi - dù sao thì những người đó cũng không quan trọng với bạn.

8. Bạn chỉ có thể cảm thấy như một thất bại bằng cách nghĩ rằng cuộc sống này chỉ xoay quanh thua và thắng. Nhưng cuộc sống không phải vậy.

9. Quan điểm "Những người giỏi nhất là những người không bao giờ phải đối mặt với nghịch cảnh" là điều vô lý. Những người phải đối mặt và vượt qua nghịch cảnh là những người mạnh mẽ nhất mà bạn sẽ gặp.

10. Thất bại và thử lại rất thú vị, một khi bạn đã quen với cảm giác rơi tự do!

Tin Cùng Chuyên Mục