Người Việt Nam trước nay vẫn quen với việc làm ăn, bàn chuyện hợp đồng trên bàn nhậu. Điều này không sai nhưng vấn đề nằm ở luật "bất thành văn" mỗi khi ngồi vào bàn nhậu: Đã rót là phải uống, mà uống là phải cạn ly, phải hết 100%, thậm chí mới vào mâm cũng phải uống mà xin về sớm cũng phải uống,...
Nhìn vào khả năng uống rượu mà người ta sẽ đánh giá xem bạn có nhiệt tình hay không, có hết mình không, có coi thường bạn bè, đối tác không... Tuy nhiên theo quan điểm của Shark Phạm Thanh Hưng, Phó chủ tịch Cenland, văn hóa này cần được nhìn nhận lại.
Shark nói: "Chúng ta có cái văn hóa, mà theo đó ai uống được nhiều, uống tốt thì được đánh giá cao, được gọi là nhiệt tình, còn uống được ít, không uống được sẽ bị coi là không nhiệt tình. Tôi mong rằng chúng ta nên nhìn nhận lại một chút, nên văn minh một chút khi tham gia mời nhậu".
Vì bản thân cũng là người phải tham gia các buổi nhậu với bạn bè, đối tác rất nhiều nên Shark Hưng cho rằng văn hóa nhậu nên theo phong cách thoải mái, ai uống được bao nhiêu thì uống, không nhất thiết phải uống đến mức cạn chén.
"Có những người uống ít hoặc không uống nhưng họ vẫn tham gia nhiệt tình, vẫn theo được không khí bữa nhậu thì đó là điều chúng ta nên hướng tới. Không nhất thiết phải uống hết 100%, rồi ‘zô' các thứ, như vậy sẽ tổn hại rất nhiều".
Theo thống kê, có khoảng 40% các vụ tai nạn giao thông tại Việt Nam có nguyên nhân liên quan đến việc sử dụng rượu bia. Năm 2016, gần 10% nam giới người Việt trong độ tuổi từ 50 tới 69 chết do ung thư gan liên quan đến rượu.
Trong khi đó, mức tiêu thụ đồ uống có cồn bình quân đầu người Việt Nam đã lên tới 8,3 lít (năm 2016), tức là đã tăng tới 118%, trong khi mức tiêu thụ trên toàn cầu tăng không đáng kể.
Có lẽ đúng như những gì Shark Hưng nhìn nhận, đã đến lúc chúng ta cần xây dựng văn hóa nhậu "văn minh".
(Tiêu đề do Doanhnhan.vn đặt lại)