Theo Trí Thức Trẻ đưa tin, ngày 10/6, tại Diễn đàn Quỹ Đầu tư Khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam 2019, ông Nguyễn Mạnh Dũng - Giám đốc quỹ đầu tư CyberAgent Việt Nam và Thái Lan (Shark Dũng) chia sẻ: "Các doanh nghiệp hay startup phải chứng tỏ được giá trị của mình, đương nhiên không chỉ là mức định giá hợp lý từ các nhà đầu tư mà còn là giá trị gia tăng trong quá trình nhận được khoản đầu tư và triển khai."
Trên thực tế, các nhà đầu tư trong một số trường hợp sẽ định giá cao hơn giá trị thực của startup như trường hợp ở Indonesia.
"Tuy nhiên, các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng không nên quá “tham lam” về việc đẩy giá ngay từ giai đoạn đầu, tính chất tích cực về giá chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn", Shark Dũng nhận định.
“Quan trọng hơn là giá trị bền vững, nền tảng, phát triển về chất và sự tích lũy kinh nghiệm mà các nhà đầu tư mang đến cho startup. Với trường hợp ở Indonesia, các doanh nghiệp công nghệ đang bị đánh giá quá mức, sức nóng của nó đã vượt quá cái "chất" nó có thể có".
Theo đại diện của Access Ventures, quỹ đầu tư muốn hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam xây dựng giá trị thực hơn là việc đẩy giá và bán.
"Giá trị công ty mà chúng tôi mang đến không phải cho chính công ty mà còn cho cả thị trường. Chính vì vậy, các công ty mang lại giá trị thực cho người tiêu dùng thì chúng tôi sẽ đầu tư còn những công ty với giá trị “ảo” thì sẽ bị bỏ qua", đại diện Access Ventures nói.
Thực chất, việc tạo "giá trị ảo" là vấn đề thường gặp của Startup Việt. Các nhà sáng lập thường có xu hướng "vẽ" ra một thị trường ảo, tự đánh giá bản thân quá cao, rồi đưa cho nhà đầu tư một con số "trên trời."
Ngoài ra, còn phụ thuộc vào mối quan hệ cung - cầu, các startup là phần “cung” còn các quỹ đầu tư là “cầu”, ngày càng nhiều cả cung lẫn cầu là bản chất của thị trường.
Các nhà đầu tư "lão làng" nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của giá trị vô hình mà một startup có thể mang tới.
Trong một sự kiện về khởi nghiệp, Shark Nguyễn Xuân Phú cũng đã từng tiết lộ ông luôn xác định giá trị doanh nghiệp dựa trên hai giá trị: vô hình và hữu hình. Với cách đánh giá này, ông cho rằng startup thường nhìn thấy lợi trước mắt nhưng nhà đầu tư thường nhìn vào giá trị vô hình tương lai của doanh nghiệp: “Nếu gọi vốn đầu tư vào công ty tôi, tôi sẽ dựa vào giá trị vô hình tương lai của công ty để xác định nó to nhất để thuyết phục nhà đầu tư. Là người gọi vốn tôi sẽ chịu thiệt các giá trị hữu hình để kiếm lợi ở cái mà họ không nhìn thấy”.
Tuy nhiên, so với Thái Lan và Indonesia, các startup Việt Nam vẫn bị đánh giá thấp hơn giá trị thực (Under value). Vì thế, Access Ventures rất hào hứng tham gia vào thị trường Việt Nam để đóng góp tốt hơn. “Việt Nam đang rất hấp dẫn các nhà đầu tư, thay vì Indonesia có thể đến Việt Nam”, đại diện Access Ventures cho hay.
Trao đổi về vấn đề này, "Shark" Dũng cũng cho biết thêm, Việt Nam đang đứng thứ 3 sau Indonesia hay Philippines về tổng đầu tư cho các startup nhưng bản thân thị trường này lại có điểm đặc biệt là chưa có quá nhiều nhà đầu tư.
"Những nhà đầu tư “đến sớm” ở Indonesia đã nhận thấy độ nóng quá mức và sự rủi ro nên Việt Nam là đích đến tiếp theo. Rất nhiều nhà đầu tư tại Hàn Quốc, Nhật Bản hay Singapore cũng bắt đầu đến Việt Nam để đầu tư”, ông Dũng cho biết.