Doanh nghiệp Việt cần "tự tóm tóc mình"
- Theo ông, doanh nghiệp Việt cần hội tụ những yếu tố nào để hiện thực hóa khát vọng hội nhập quốc tế?
Các doanh nghiệp Việt Nam đang nỗ lực để nhanh chóng hội nhập. Nhất là sau khi Hiệp định TPP được ký kết, trở thành đòn bẩy giúp doanh nghiệp Việt Nam vươn ra thị trường thế giới dễ dàng hơn và sẵn sàng thử sức mình ở sân chơi lớn hơn.
Tuy nhiên, cũng có khá nhiều doanh nghiệp vẫn bị động, thậm chí hụt hơi... Để doanh nghiệp Việt Nam kịp thời nắm bắt và hòa nhập với xu thế kinh tế mở, trước hết họ phải nắm bắt chắc thông tin từ các Hiệp định thương mại để tận dụng lợi ích từ các Hiệp định đó.
Các doanh nghiệp trong nước phải đủ mạnh để tồn tại, phải xây dựng được thương hiệu và có dịch vụ tốt nhất. Ngoài ra, doanh nghiệp phải am hiểu thị trường hàng hóa của các châu lục và tiếp cận thị trường tiêu thụ rộng lớn để liên tục đổi mới nhận thức, đổi mới hành động nhằm đưa ra những sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất cho thị trường thế giới.
Nếu không tự vận động, không “tự tóm tóc mình" nhẩy qua vũng "sình lầy” thì sẽ không bao giờ phát triển được.
Việc doanh nghiệp chủ động thay đổi phong cách làm việc chuyên nghiệp, tự tạo cho mình một áp lực để không ngừng đổi mới, sáng tạo theo tôi là yếu tố quan trọng nhất.
3 cái thiếu của doanh nhân Việt
- Ông đánh giá thế nào về vị trí, vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong nền kinh tế hội nhập hiện nay?
Đội ngũ doanh nhân Việt Nam hiện nay rất hùng hậu, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Nhiều doanh nhân trẻ sớm thành đạt và trở thành tấm gương sáng cho người khác có động lực phấn đấu vươn lên.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều doanh nhân chưa đáp ứng được yêu cầu, thiếu kiến thức về pháp luật và kinh doanh, thiếu kinh nghiệm quản lý, làm việc thiếu tính chuyên nghiệp và đa số vẫn thiếu khát vọng - thiếu tầm nhìn - thiếu tầm nhận thức.
Nhiều doanh nhân vẫn mang tư tưởng cầu toàn, không dám mạo hiểm vượt qua thử thách mới để có thể cán đích.
- Có ý kiến cho rằng sự thiếu chuyên nghiệp và tâm lý ngại thay đổi là những điểm yếu cố hữu của doanh nhân Việt Nam. Ông có đồng ý với quan điểm này không?
Trong môi trường kinh doanh, tính chuyên nghiệp là một trong những tiêu chí hết sức quan trọng quyết định sự thành công của doanh nghiệp.
Với sự phát triển của xã hội, tính chuyên nghiệp trong công việc hiện nay càng được đề cao, đòi hỏi người đứng đầu doanh nghiệp vận dụng trong bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu. Nhiều người cho rằng tính chuyên nghiệp phải thể hiện trong những công việc to tát, có quy mô lớn... Điều đó chưa hẳn đúng.
Theo tôi, tính chuyên nghiệp phải thể hiện ngay từ những việc nhỏ nhất nhằm tạo ra sự đồng bộ, nhất quán trong mọi việc làm.
Chuyên nghiệp còn thể hiện ở văn hóa ứng xử trong doanh nghiệp, từ cách xưng hô, chào hỏi, ăn mặc, hoặc một tác phong làm việc công nghiệp, biết quý trọng thời gian, có ý thức giữ gìn vệ sinh chung...
Lâu nay, các doanh nghiệp của ta vẫn làm việc theo tư duy “hợp tác xã” và dường như đã ăn sâu vào suy nghĩ của họ nên khi hội nhập họ mang tâm lý ngại thay đổi là điều dễ hiểu.
3 yếu tố quan trọng nhất
- Với vị trí “thuyền trưởng”, ông đã làm những gì để doanh nghiệp của mình có được thành công như ngày hôm này, để có thể hòa chung vào không khí hội nhập?
Hơn 25 năm xây dựng và phát triển, chúng tôi luôn phấn đấu để giữ vững vị trí là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực thể thao và phát triển sức khoẻ cộng đồng tại Việt Nam, đồng thời sẽ vươn tới chinh phục thị trường thế giới.
Từ một công ty TNHH đến khi sáp nhập các công ty thành viên để trở thành một tập đoàn lớn, Động Lực luôn luôn vận động, đổi mới sáng tạo với mục tiêu hướng tới sự phát triển bền vững.
Với cương vị là người đứng đầu một doanh nghiệp, đương nhiên cá nhân tôi phải làm rất nhiều việc, phải nỗ lực hết mình. Nhưng để có sự thành công như ngày hôm nay, chúng tôi đã có một tập thể rất đoàn kết, có niềm tin, quyết tâm cao, có đội ngũ nhân viên năng động, sáng tạo và lực lượng công nhân lành nghề.
Chúng tôi cũng đặt ra cho mình 3 yếu tố quan trọng nhất là: Sản phẩm; Sản xuất và Công tác quản lý.
Về sản phẩm, Động Lực luôn tạo ra những sản phẩm tiêu biểu, mang tiêu chuẩn thi đấu quốc gia và quốc tế.
Về sản xuất, chúng tôi có 5 nhà máy đóng giầy, làm bóng đá, may quần áo và các sản phẩm thể thao khác đều đạt chất lượng tốt, đáp ứng được nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế.
Bộn bề công việc, nhưng chúng tôi vẫn làm tốt công tác quản lý, kiểm soát được chất lượng sản phẩm, hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ toàn quốc đều có những mặt hàng tốt đến người tiêu dùng để giữ vững thị trường.
Chúng tôi cũng chú trọng đến các hoạt động tài trợ thể thao. Bởi vì các hoạt động này mang tính nhân văn, gần gũi với mọi người. Đó cũng là một trong những chiến lược kinh doanh để những người chơi thể thao biết đến các sản phẩm do Động Lực sản xuất.
Động Lực có phương pháp chiến lược bán hàng riêng biệt, mở rộng sản phẩm để thu hút khách hàng, mở rộng quy mô bán hàng và đào tạo nhân viên bán hàng chuyên nghiệp nhằm phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn.