Nhà sáng lập thương hiệu thời trang nữ Eva de Eva, bà Tô Thị Dung vừa chia sẻ về mối lương duyên với Seedcom, nhà đầu tư từng rót vào công ty nhiều tiền nhưng sau đó rút vì thua lỗ.
Seedcom hợp tác với Eva de Eva khi công ty này đang gặp khó khăn trong hành trình tìm lại những thành công trong quá khứ, trước sự đổ bộ của các thương hiệu thời trang ngoại như Zara, H&M, Uniqlo. Đó là thời điểm giữa năm 2018, sau nửa năm tìm hiểu, Seedcom nhìn thấy vấn đề của Eva de Eva là có một lượng khách quen, sản phẩm, thương hiệu lâu năm, nhưng thiếu về marketing.
Theo chia sẻ của bà Dung, Seedcom tập trung vào việc số hóa doanh nghiệp, phát triển thương mại điện tử, mở điểm bán; phần sản phẩm giao cho đội ngũ của người sáng lập.
Cho dù nhận thêm nguồn lực hỗ trợ từ một nhà đầu tư có kinh nghiệm dày dặn trong lĩnh vực bán lẻ, Eva de Eva vẫn không thể bán được hàng trong năm 2019, người sáng lập thương hiệu này cho biết.
Theo dữ liệu của chúng tôi, doanh thu của Eva de Eva đã gấp hơn 3 lần trong năm 2019, đạt 161 tỷ đồng. Tuy nhiên, biên lãi gộp giảm sâu, từ 48% xuống còn 27%; điều này kéo theo việc công ty thua lỗ lặng, lên tới 71 tỷ đồng.
Trên thực tế, 2019 không phải là một năm cho thấy cửa sáng đối với các thương hiệu thời trang được đầu tư bởi Seedcom.
Thương hiệu bán quần áo Hnoss đem về doanh thu 122 tỷ đồng, tăng 44% so với năm trước đó. Nhưng lỗ ròng tăng gấp đôi, lên 21 tỷ đồng.
Thương hiệu bán giày dép, túi xách nữ Juno cũng trong tình cảnh tương tự, số lỗ cũng gấp 2 lần lên 40 tỷ đồng. Thậm chí, doanh thu của Juno còn đi lùi, họ đạt 541 tỷ đồng, giảm 10%. Năm 2017, doanh thu của Juno đạt 470 tỷ đồng, họ có lãi 27 tỷ đồng.
Có thể thấy rằng, tính đến năm 2019, lĩnh vực thời trang vẫn chưa đem về cho Seedcom trái ngọt. Mức lỗ của các công ty tiếp tục tăng thêm, trong bối cảnh cạnh tranh trong lĩnh vực thời trang khốc liệt. Sự đổ bộ của các thương hiệu thời trang hàng đầu thế giới như Zara, H&M, hay đáng chú ý là Uniqlo đến từ Nhật Bản cho thấy tham vọng mở rộng mạnh mẽ.
Ngoài lĩnh vực thời trang, Seedcom còn nổi tiếng với việc đầu tư vào The Coffee House, hiện đang là chuỗi cà phê thuộc top đầu Việt Nam về doanh thu, chỉ sau Highlands Coffee. Bên cạnh đó, Seedcom cũng rót vốn vào King Food, Cầu Đất Farm - thực phẩm, Scommerce - logistics, và Havaran - công nghệ.
Sở hữu gần như toàn bộ cổ phần tại Seedcom là quỹ đầu tư Ficus Asia Investment (Singapore) được sáng lập bởi ông Đinh Anh Huân, người từng khởi nghiệp với ông Nguyễn Đức Tài tạo nên CTCP Đầu tư Thế giới Di động (Mobile World).
Cuối tháng 10 năm ngoái, Ficus nhận 50 triệu USD đầu tư từ EWTP Capital, quỹ được chống lưng bởi Alibaba và Ant Financial của Jack Ma.
Ficus hướng đến việc đầu tư vào các doanh nghiệp đang ở mô hình truyền thống (Brick and Motar) tại Đông Nam Á nhằm chuyển đổi sang mô hình New Retail. Đặt trụ sở tại trung tâm tài chính của Đông Nam Á, Ficus có vài trò quan trọng trong việc huy động nguồn lực tài chính, tuyển dụng nhân tài và phân phối sản phẩm ra nhiều thị trường.
Link bài gốc