Apple có đang nghiêm túc trước làn sóng smartphone gập hay không?
Gần đây hơn 1.000 tỷ vốn hóa thị trường của Apple đã "bốc hơi" và lý do là vì doanh số iPhone giảm tới 24% ở riêng Trung Quốc.
Bình luận với trang tin TMTPost, một chuyên gia trong ngành cho biết rằng: "Người dùng và cả thị trường đang mong đợi Apple tại ra những đổi mới thực sự về thiết kế của iPhone cũng như các sản phẩm khác thay vì sử dụng 1 nguyên mẫu trong nhiều năm".
Cũng cần lưu ý rằng các thiết bị màn hình có thể gập lại hiện đang trở thành vũ khí cạnh tranh chính của các thương hiệu trong phân khúc smartphone cao cấp (flagship) phi iOS.
Tổ chức phân tích Counterpoint từng dự đoán rằng doanh số smartphone gập toàn cầu dự kiến sẽ vượt quá 100 triệu chiếc vào năm 2027.
CICC Research cũng chỉ ra rằng các thiết bị màn hình gập sẽ tăng tốc vào năm 2022 và các lô hàng smartphone gập toàn cầu dự kiến sẽ đạt 80 triệu chiếc vào năm 2025.
Điều đáng nói là các số liệu thống kê cũng cho thấy 58% người dùng thiết bị chạy iOS quan tâm đến smartphone gập, đồng thời trên thị trường liên tục xuất hiện những tin đồn về dự án iPhone gập của Apple.
Được biết, Apple đã từng liên hệ với các nhà cung cấp Samsung Display và LG Display để thử nghiệm màn hình gập nhưng có vẻ như chúng vẫn chưa đạt tiêu chuẩn của họ - và cũng là nguyên nhân chính khiến dự án iPhone gập tạm dừng.
Tuy nhiên căn cứ vào một bằng sáng chế mới của Apple, họ có thể đã tìm ra cách khắc chế vấn đề các nếp gấp trên màn hình thông qua một thiết kế và những nguyên liệu mới.
Cũng có thông tin cho biết rằng Apple đã chuyển một số nhân sự quan trọng từ nhóm phát triển Apple Vision Pro sang dự án này.
Tuy nhiên theo nhà rò rỉ nổi tiếng Ming-Chi Kuo, Apple có thể sẽ chỉ ra mắt một chiếc MacBook gập 20,3 inch vào năm 2027.
Một nguồn tin rò rỉ khác thì cho biết rằng iPhone gập khó có thể xuất hiện trước năm 2026 và từ nay tới đó Apple sẽ tập trung vào việc cho ra mắt những chiếc iPhone mỏng và nhẹ hơn so với các đối thủ cạnh tranh.
Nguồn tin của TMT Post thì cho biết có thể sau MacBook gập sẽ là iPad gập chứ không phải là iPhone gập.
Từ tất cả các thông tin nói trên, có thể nói Apple đang thực sự tập trung vào R&D các thiết bị gập, nhưng không ưu tiên iPhone. Và dưới đây có thể là những lý do chính.
Không vội?
Đã hơn 5 năm kể từ khi chiếc smartphone Android gập đầu tiên được ra mắt, tốc độ tăng trưởng của mảng này cũng đang ở mức "2 con số" trong bối cảnh thị trường chung đang suy giảm.
Chỉ riêng ở thị trường tỷ dân Trung Quốc, dữ liệu mới do tổ chức IDC công bố cho thấy 7,007 triệu chiếc smartphone gập đã được bán ra vào năm 2023, tăng 114,5% so với năm trước đó.
Một số nhà phân tích Trung Quốc cũng đã dự đoán rằng trong năm 2024, khoảng 10 triệu chiếc smartphone gập sẽ được bán ra - tăng 150% so với năm 2023.
So với Samsung và các nhà sản xuất smartphone Android khác, Apple không hề muộn trong nghiên cứu về sản phẩm màn hình gập, thậm chí có thể còn sớm hơn.
Tuy nhiên, tốc độ sản xuất thương mại chậm hơn nhiều và ngay cả khi chiếc MacBook gập được ra mắt vào năm 2027 thì sẽ muộn hơn 8 năm so với các đối thủ.
Vì sao Apple lại hành động chậm chạp như vậy?
Đầu tiên là vì các thiết bị gập hiện đang hướng tới nhóm người dùng cao cấp và ở phân khúc khách hàng này, vị trí của iPhone vẫn chưa bị lung lay trên phạm vi toàn cầu (ngoại trừ Trung Quốc).
Tiếp theo là vì dù smartphone gập đang có tốc độ tăng trưởng cao nhưng hàng chục triệu chiếc vẫn là con số nhỏ bé so với 1 tỷ chiếc smartphone được bán ra trong phạm vi toàn cầu. Có nghĩa là Apple không cảm thấy cấp bách trước áp lực trong phân khúc nhỏ này.
Cuối cùng các vấn đề kỹ thuật vẫn chưa giải quyết được ở thiết bị gập như nếp nhăn màn hình lộ càng ngày càng rõ sau thời dài sử dụng, cân bằng giữa độ dày và hiệu năng, tối ưu hóa cấp hệ thống... đang là "cơn đau đầu" mà tất cả các thương hiệu đang gặp phải.
Đối với Apple, họ phải chắc chắn được doanh số một khi sản phẩm mới ra mắt và điều đó phải được đảm bảo bằng sự phát triển của mảng thị trường, những cải tiến kỹ thuật quan trọng và bằng cách định giá phù hợp.
Và đây có thể là các lý do quan trọng khiến họ muốn "đi sau về trước".
Link bài gốc