Ngày pháp luật

SCB vẫn chật vật xử lý nợ xấu sau gần 10 năm tái cơ cấu

Bảo Minh

(Doanhnhan.vn) - Nợ xấu là gánh nặng của ngân hàng SCB suốt nhiều năm qua, song đến nay việc xử lý vẫn diễn ra chậm chạp.

Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) vừa tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên trong đó đặt ra kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 5.000 tỷ đồng trong năm 2020. Dự kiến đến cuối năm, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ đạt 20.232 tỷ đồng.

Tăng vốn một trong những điểm mới trong đề án tái cơ cấu giai đoạn 2 tại SCB đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt ngày 11/3/2020.

Theo đó, Đề án cơ cấu lại hỗ trợ thêm một số cơ chế mới, bao gồm các giải pháp tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính, quản trị, kiểm soát, điều hành và tính minh bạch trong hoạt động và minh bạch hóa sở hữu, xây dựng lộ trình cụ thể đến 2030 cho việc tiếp tục xử lý, thu hồi nợ xấu, nợ tồn đọng. 

Việc tìm kiếm nhà đầu tư bên ngoài được kỳ vọng giúp SCB giải quyết phần nào vấn đề nợ xấu, vốn là gánh nặng của nhà băng này nhiều năm qua.

SCB vẫn chật vật xử lý nợ xấu sau gần 10 năm tái cơ cấu - Ảnh 1
Một phòng giao dịch của Ngân hàng SCB. Ảnh: SCB

SCB trước đây vốn là ngân hàng được hợp nhất (cuối năm 2011) từ ba nhà băng Đệ Nhất (Ficombank), Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank) và Sài Gòn (SCB) đều có trụ sở tại TP HCM. Vụ sáp nhập biến SCB thành một trong những ngân hàng thương mại cổ phần có tổng tài sản lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, điều đó cũng phát sinh ra hàng loạt các khoản nợ xấu mà ngân hàng phải giải quyết.

Trong Đề án tái cơ cấu giai đoạn 5 năm từ năm 2015 – 2019, Ngân hàng Nhà nước đã phê duyệt cho phép SCB tiếp tục thực hiện các nội dung chưa hoàn thành của Đề án tái cơ cấu 2012 – 2014 và nhiều phương án hỗ trợ như cho phép cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với nhiều khoản vay, cho phép tiếp tục cho vay xử lý các khoản lãi dự thu đối với một số dự án đầu tư xây dựng công trình, tiếp tục cho vay hoàn thiện một số dự án dở dang. Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước cho phép SCB trích lập dự phòng rủi ro tín dụng theo năng lực tài chính.

Các khoản nợ xấu của SCB nằm khá nhiều trong lĩnh vực bất động sản. Nhà băng này có mối quan hệ tín dụng khá thân thiết với Vạn Thịnh Phát – một trong những tập đoàn bất động sản lớn tại phía Nam.

Sau khi được chấp thuận Đề án tái cơ cấu mới, Đại hội cổ đông của SCB đã thông qua kế hoạch nâng tổng tài sản lên 637.166 tỷ đồng, huy động vốn tăng trưởng 65.000 tỷ đồng, thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 1.800 tỷ đồng, tăng 40% so với năm 2019…

Đưa ra kế hoạch tham vọng, song báo cáo kết quả kinh doanh quý I của ngân hàng không khả quan. Tính đến ngày 31/3/2020, tiền gửi khách hàng của SCB chỉ đạt 433.736 tỷ đồng, giảm 5.000 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Lãi phải thu của ngân hàng tiếp tục tăng mạnh lên 61.500 tỷ đồng, tăng gần 10.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý, chi phí dự phòng trong kỳ tăng mạnh lên 653 tỷ đồng, gấp 30 lần so với mức 22,2 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Chi phí dự phòng tăng vọt khiến lợi nhuận của SCB chỉ đạt 35 tỷ đồng, giảm 60% so với quý 1/2019. Trước đó trong năm 2019 ngân hàng này đã trích lập 2.373 tỷ đồng dự phòng rủi ro.

Quá trình xử lý nợ xấu trái phiếu Công ty Quản lý tài sản (VAMC) của SCB diễn ra chậm chạp. Tính đến cuối quý I, ngân hàng vẫn đang nắm giữ 31.714 tỷ đồng trái phiếu do VAMC phát hành. Dự phòng trái phiếu mới chỉ đạt 7.556 tỷ đồng, tăng 700 tỷ đồng so với đầu năm.

Những vấn đề về nợ xấu khiến SCB là ngân hàng hiếm hoi không tham gia vào cuộc đua Basel II. Dù có lợi nhuận giữ lại 1.234 tỷ đồng, nhà băng không được Ngân hàng Nhà nước cho phép chia cổ tức.

Tin Cùng Chuyên Mục