Sáng 7/12, Ngân hàng Sài Gòn (SCB) tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2020. Tại đây, các cổ đông của SCB với đa số phiếu tán thành đã thông qua chủ trương tăng vốn điều lệ của ngân hàng thêm 15.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2020-2030.
Riêng trong năm 2020-2021, SCB sẽ tăng thêm 5.000 tỷ đồng, đưa mức vốn điều lệ từ 15.231 tỷ đồng lên 20.231 tỷ đồng.
Nội dung quan trọng khác được ngân hàng bổ sung vào tờ trình đại hội thông qua là việc phê duyệt chủ trương đối với giao dịch nhận tài sản để thay thế hoặc cấn trừ nghĩa vụ trả nợ có giá trị lớn hơn 20% vốn điều lệ của ngân hàng.
Cụ thể, theo tờ trình của Hội đồng quản trị, khách hàng bên thế chấp tài sản đã đề nghị chuyển giao cho SCB toàn bộ tài sản là 116 quyền sử dụng đất huyện Bình Chánh, TP HCM). Giá trị tài sản là hơn 13.955 tỷ đồng, thời điểm định giá là tháng 8/2020. Sau khi hoàn tất thủ tục giao tài sản cấn trừ nợ, SCB có toàn quyền sở hữu, quản lý, sử dụng, chiếm hữu và định đoạt đối với tài sản.
Cũng theo phương án tăng vốn trong thời gian tới, SCB sẽ chào bán 500 triệu cổ phần mới cho cổ đông hiện hữu, tương đương tỷ lệ thực hiện là 32,92%. Số vốn tăng thêm sẽ được ưu tiên bổ sung vào nguồn vốn kinh doanh, tập trung vào đầu tư tài sản cố định, hiện đại hóa công nghệ thông tin và đầu tư xây dựng, sửa chữa trụ sở các chi nhánh. Thời gian thực hiện dự kiến là trong năm 2020-2021.
Báo cáo kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm, thu nhập lãi thuần và lợi nhuận trước thuế của SCB lần lượt đạt 2.835 tỷ đồng và 113 tỷ đồng, tương ứng tăng 86% và giảm 55% so với cùng ký năm 2019. Số trích lập dự phòng rủi ro tín dụng của SCB là 1.963 tỷ đồng, nâng tổng quỹ dự phòng rủi ro lên hơn 13.000 tỷ đồng.