Nhìn lại thị phần bia Việt Nam
Bia là một trong những thức uống được tiêu thụ nhiều nhất trên thế giới. Theo dữ liệu mới nhất từ Kirin Holdings, thế giới tiêu thụ tổng cộng 177 triệu kilô lít bia trong năm 2020 (1 kilô lít tương đương 1.000 lít).
Trong đó, Trung Quốc là quốc gia đứng số 1 với hơn 36 triệu kilô lít bia được tiêu thụ trong năm 2020. Con số này đủ để lấp đầy hơn 14.000 bể bơi kích cỡ tiêu chuẩn Olympic. Quốc gia đông dân nhất thế giới chiếm khoảng 23% tổng lượng bia được tiêu thụ toàn cầu.
Việt Nam xếp thứ 9 thế giới về lượng bia tiêu thụ với hơn 3,8 triệu kilô lít trong năm 2020, chiếm 2,2% toàn cầu. Với lượng tiêu thụ này, thị trường bia là một mỏ vàng để các ông lớn khai thác, đặc biệt vào thời điểm kinh tế phục hồi sau đại dịch, các công ty kinh doanh bia đang đẩy mạnh thương hiệu để phát triển mạnh mẽ.
Tại Việt Nam, qua nhiều năm, thị trường bia được thống trị bởi nhóm 4 hãng lớn, đó là Heineken, Sabeco, Carlsberg và Habeco. Bốn hãng này chiếm tới 94,4% thị phần ngành bia Việt Nam năm 2021, trong đó riêng Heineken và Sabeco có tổng thị phần là 78,3%, áp đảo hai hãng còn lại.
Trong đó, nổi bật là Sabeco (thuộc Thai Beverage - tập đoàn đồ uống Thái Lan thuộc sở hữu của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi) với doanh thu thuần đạt 8.635 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đ/ạt khoảng 1.395 tỷ đồng trong quý III/2022, tăng lần lượt 102% và 196% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp tăng từ 27% lên 31%.
Theo đánh giá của SSI Research, doanh thu bán bia của Sabeco tăng do mở lại các kênh tiêu dùng tại chỗ và “sức khỏe” thương hiệu được cải thiện. Sau đại dịch, trong bối cảnh lạm phát tăng, Sabeco đã giành được thị phần trong phân khúc phổ thông, giúp giảm khoảng cách thị phần với đối thủ cạnh tranh lớn là Heineken.
Carabao nhăm nhe "lấn sân" mảng bia?
Việc Carabao đang lấn sân mảng bia tại Việt Nam được bắt đầu từ thông tin tập đoàn này chuẩn bị đầu tư 4 tỷ baht (hơn 120 triệu USD) để sản xuất bia tại Thái và tung ra thị trường từ quý IV/2023.
Lãnh đạo của hãng nước tăng lực này cho biết sẽ đa dạng hóa ngành nghề, trong đó có sản xuất bia chai và bia lon. Sản phẩm bia mới của hãng sẽ có hương vị bia Đức do hãng đã mời một chuyên gia người Đức đảm nhận nghiên cứu sản xuất.
Với việc định hướng phát triển ở Thái Lan, cạnh tranh trực tiếp với ThaiBev – chủ sở hữu của Sabeco, dễ nhận thấy Carabao đang có ý định lấn sân sang thị trường bia rượu ở Đông Nam Á. Được biết tại Thái Lan, Carabao cũng đang giữ vị trí thứ 2 về thị phần nước tăng lực với 33% thị phần, chỉ sau "gã khổng lồ" đến từ Áo, Red Bull.
Tuy nhiên, theo khảo sát của Bloomberg, tính đến năm 2020, thị trường nước ngoài đã trở thành kênh bán hàng chính của Carabao, vượt qua thị trường nội địa Thái Lan. Thị trường Thái Lan chỉ chiếm 37% doanh số bán hãng hàng này trong khi 63% là ở nước ngoài. Đáng chú ý, 58% doanh số bán hàng của Carabao tập trung ở 4 quốc gia Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar và Việt Nam. 5% còn lại chia cho Trung Quốc (2%) và các thị trường khác (chiếm 3%).
Trong thời qua thương hiệu Carabao cũng liên tục nâng tầm ảnh hưởng về hình ảnh của hãng thông qua các hợp đồng tài trợ áo đấu, tài trợ hình ảnh với CLB HAGL. Đồng thời đây cũng là cái tên được giới truyền thông nhắc tên nhiều trong mâu thuẫn giữa bầu Đức và VPF trong thời gian qua.
Đáng nói, việc nâng tầm ảnh hưởng, bước chân vào thị trường mới từ việc tài trợ bóng đá là một mô típ quen thuộc của các ông lớn trong ngành nước giải khát, đặc biệt là bia. Đơn cử như Carlsberg, thương hiệu bia của Đan Mạch gắn liền với CLB Liverpool suốt 3 thập kỷ, kể từ khi giải bóng đá Ngoại Hạng Anh ra đời vào năm 1992. Năm 1993, Carsberg đầu tư vào thị trường Việt Nam và sau 30 năm, thương hiệu bia lớn thứ 5 thế giới đã được đông đảo công chúng Việt Nam biết đến.
Năm 2019, Budweiser, thương hiệu bia Mỹ cũng nhanh chóng được biết đến sau hợp đồng tài trợ giải đấu Ngoại hạng Anh. Hoặc Red Bull từ lâu đã gắn liền với các giải đấu thế thao như giải đua xe công thứ 1 hàng đầu thế giới hoặc tài trợ cho các đội bóng như RB Salzburg (Áo), RB Leipzig (Đức)…
Carabao cũng nổi tiếng về việc chịu chi trong tài trợ bóng đá. Từ năm 2015, thương hiệu này đã ký hợp đồng là đối tác trang phục huấn luyện chính thức với Chelsea. Ngay lập tức logo Carabao xuất hiện trên áo đấu của Chelsea ở mùa giải 2016-2017.
Năm 2016, Carabao trở thành nhà tài trợ áo chính của CLB Reading. Từ mùa giải 2017 – 2018 đến nay, Carabao trở thành nhà tài trợ chính thức của giải Liên đoàn Bóng đá Anh (EFL). Hãng nước tăng lực này cũng kí hợp đồng tài trợ quảng cáo với CLB HAGL, giá trị hợp đồng lên tới 40 tỷ/mùa, một bản hợp đồng lớn không chỉ với đội bóng phố núi mà với cả bóng đá Việt Nam.