Ngày pháp luật

Sau PNJ và Doji, đến lượt Thế giới Di động 'chen chân' bán đồng hồ

Theo Quang Thắng/Zing

Thế giới Di động là người chơi mới nhất trong cuộc đua của các nhà bán lẻ tại Việt Nam tại thị trường kinh doanh đồng hồ.

Chuỗi cửa hàng điện thoại Thế giới Di động của Công ty cổ phần Tập đoàn Thế giới Di động mới đây đã cập nhật thêm mặt hàng đồng hồ thời trang vào chuỗi danh mục sản phẩm của mình.

Đua nhau phân phối đồng hồ

Thế giới Di động là tay chơi mới nhất tham gia vào cuộc đua phân phối đồng hồ tại Việt Nam.

Trên website chính thức của chuỗi cửa hàng này đưa ra loạt mẫu đồng hồ của các hãng Casio, Sheen, Edifice, Baby-G, hay Fossil... với mức giá dao động trong khoảng dưới 10 triệu đồng.

Trước đó, cả Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận - PNJPNJ+0.7% và Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI đều đã để mắt tới thị trường này.

Cụ thể, PNJ đã bán thử nghiệm đồng hồ tại các cửa hàng trang sức của mình từ năm 2012. Và kể từ đầu năm nay, doanh nghiệp này đã chính thức đẩy mạnh mảng kinh doanh đồng hồ với việc thành lập hàng chục cửa hàng PNJ Watch, tập trung chủ yếu tại khu vực phía Nam và Hà Nội.

Các cửa hàng của PNJ phân phối khá nhiều phân khúc đồng hồ từ giá rẻ cho đến cao cấp như thương hiệu Daniel Wellington, MTMT, Citizen, Seiko, CK, Guess, Michael Kors, Skagen, Tissot, Longines…

Trong khi đó, DOJI cũng "chen chân" vào thị trường này từ cuối năm 2018, với việc thử nghiệm bán đồng hồ tại các cửa hàng. Tuy nhiên, số lượng đồng hồ thương hiệu này phân phối tương đối hạn chế so với PNJ và chỉ tập trung tại phân khúc giá rẻ dưới 10 triệu đồng.

Sau PNJ và Doji, đến lượt Thế giới Di động 'chen chân' bán đồng hồ - Ảnh 1
Thế giới Di động sẽ bán đồng hồ tại các cửa hàng thuộc chuỗi kinh doanh điện thoại của mình.

Miếng bánh hấp dẫn nhưng không dễ ăn

Lý do khiến những nhà bán lẻ lớn tại Việt Nam quan tâm tới thị trường đồng hồ trong nước chính là việc thị trường này chưa có chủ. Thống kê từ các hãng nghiên cứu thị trường cho thấy chưa có nhà phân phối nào chiếm đa số thị phần phân phối đồng hồ tại Việt Nam.

Các chuyên gia của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) ước tính thị trường đồng hồ ở Việt Nam có giá trị khoảng 17.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, thị trường hiện tại lại rất phân mảnh và không rõ nguồn gốc sản phẩm. Chỉ có một số ít cửa hàng bán lẻ và trung tâm bảo hành được ủy quyền từ các hãng đồng hồ.

Nhu cầu lớn với nguồn cung hạn chế dẫn đến các sản phẩm giả xuất hiện tràn lan trên thị trường. Đây chính là cơ hội với những chuỗi cửa hàng đã xây dựng được uy tín trên thị trường bán lẻ nếu "chen chân" đi bán đồng hồ.

Trước đó, chia sẻ với cổ đông tại ĐHĐCĐ thường niên đầu năm 2018, bà Cao Thị Ngọc Dung cho rằng thị trường đồng hồ Việt Nam đang rất "bát nháo", việc PNJ là điểm đến của sự đảm bảo hàng chính hãng. Qua 5 năm triển khai đến nay công ty đã thu về nhiều kết quả khả quan và PNJ sẽ đẩy mạnh trong tương lai.

Theo chuyên gia của VDSC, thị trường phân phối đồng hồ tiềm năng nhưng không dễ để tham gia, bởi đây vẫn được xem là mặt hàng xa xỉ. Nhu cầu về mặt hàng này rất lớn nhưng không phải tất cả đều dành cho đồng hồ chính hãng. Các loại đồng hồ chính hãng thường có giá bán khá cao so với mức đa số người Việt sẵn sàng chi trả.

Bên cạnh đó, hiện nay người tiêu dùng vẫn có thể mua hàng xách tay trực tiếp từ nước ngoài với giá rẻ hơn khá nhiều hàng nhập chính hãng.

Tin Cùng Chuyên Mục