Biến động nhân sự cấp cao
Bà Đinh Thị Huyền Thanh vừa có đơn xin từ nhiệm khỏi vị trí Tổng Giám đốc và thành viên Hội đồng quản trị của Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank - mã ck: PGB). Trong đó, bà Thanh xin rút khỏi ghế Tổng giám đốc từ ngày 25/4.
Trước đó, ngày 20/4, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 đã thông qua việc từ nhiệm vị trí thành viên Hội đồng quản trị của bà. Bà Thanh xin từ nhiệm vì lý do cá nhân.
Bà Thanh mới gia nhập PGBank từ tháng 7/2023 và được bổ nhiệm làm Thành viên Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc từ tháng 11/2023.
Như vậy, nữ Tổng giám đốc đã rời ngân hàng sau hơn 5 tháng giữ vai trò lãnh đạo trong Ban điều hành ngân hàng.
Bà Đinh Thị Huyền Thanh là tiến sĩ chuyên ngành Tài chính ngân hàng (Đại học Tổng hợp Maastricht, Hà Lan) và có hơn 17 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Trong quá trình công tác, bà đã từng đảm nhận các vị trí quan trọng tại Ngân hàng RaboBank Hà Lan và Mỹ, cũng như tại Techcombank.
Trước bà Thanh, 2 lãnh đạo của PGBank cũng vừa có đơn từ nhiệm là ông Nguyễn Thành Lâm, Thành viên Hội đồng quản trị độc lập và ông Nguyễn Thành Tô, Phó Tổng giám đốc vì lý do cá nhân.
Trước đó, PGBank đã ghi nhận nhiều sự thay đổi nhân sự tại các vị trí cấp cao. PGBank đang trong quá trình kiện toàn lại bộ máy nhân sự sau khi cổ đông lớn là Petrolimex thoái vốn.
Nợ xấu tăng, lợi nhuận đi lùi
Tính đến hết năm 2023, tổng nợ xấu của ngân hàng là 906 tỷ đồng, tăng 22% so với đầu năm. Nợ dưới tiêu chuẩn tăng gấp 3 lần, nợ nghi ngờ tăng gấp 2 lần. Tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ cho vay khách hàng là 2,56%, không thay đổi so với đầu năm.
PGBank ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt gần 348 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, nhiều mảng kinh doanh khác của ngân hàng này lại suy giảm. Đơn cử, thu từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm của ngân hàng giảm 32%, xuống còn 22 tỷ đồng. Đây là nguyên nhân chính khiến khoản thu lãi từ hoạt động dịch vụ của PGBank giảm 60% trong quý IV, xuống còn hơn 10 tỷ đồng.
Các hoạt động kinh doanh ngoại hối, mua bán chứng khoán đầu tư đều không mấy khả quan hoặc báo lỗ. Theo đó, ngân hàng lỗ 10,3 tỷ đồng từ hoạt động dịch vụ, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 25,9 tỷ đồng. Mảng kinh doanh ngoại hối khiến PGBank lỗ 4 tỷ đồng, trong khi cùng quý IV năm ngoái lãi 17,2 tỷ đồng.
Hay mảng chứng khoán đầu tư của ngân hàng ghi nhận khoản lỗ 3,5 tỷ đồng. Cùng kỳ năm ngoái mảng này lỗ 2,4 tỷ đồng. Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh khác cũng giảm tới hơn 80,4%, xuống 10,8 tỷ đồng.
Kết quả, lợi nhuận thuần từ kinh doanh của ngân hàng giảm 49%, còn gần 87 tỷ đồng.
Trong khi đó, PGBank phải trích lập 91 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng trong quý IV/2023. Ngân hàng báo lỗ gần 5 tỷ đồng quý cuối năm ngoái, trong khi cùng kỳ lãi trước thuế 119 tỷ đồng.
Khoản lỗ trong quý IV/2023 kéo lợi nhuận trước thuế cả năm 2023 của ngân hàng này giảm xuống còn hơn 355 tỷ đồng, thấp hơn 30% so với năm liền trước và chỉ thực hiện 67% mục tiêu lợi nhuận đặt ra cho năm 2023.
Đến cuối năm 2023, tổng tài sản của PGBank đã tăng 13% so với đầu năm, đạt 55.495 tỷ đồng. Trong đó, số dư cho vay khách hàng tăng 22%, lên 35.335 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 14,3% so với đầu năm, lên mức 35.730 tỷ đồng.