Ngày pháp luật

Sau đột biến ngàn tỷ, Doanh nghiệp bà Nguyễn Thanh Phượng tính bước thận trọng

Theo H.Tú/Vietnamnet

Doanh nghiệp của bà Nguyễn Thanh Phượng thận trọng trong bối cảnh mọi thứ không còn thuận lợi, thị trường có dấu hiệu chững lại và thế giới có nhiều bất ổn có thể tác động trực tiếp tới Việt Nam.

CTCP Chứng khoán Bản Việt - VCSC (VCI) của bà Nguyễn Thanh Phượng vừa công bố kế hoạch kinh doanh 2019 với nhiều con số khá thận trọng. Doanh thu dự kiến đạt 1,65 ngàn tỷ đồng, trong khi lợi nhuận sau thuế chỉ còn 680 tỷ đồng, giảm hơn 17% so với năm 2018.

Đây là nội dung trong biên bản họp HĐQT báo cáo KQKD năm 2018 và kế hoạch kinh doanh năm 2019 vừa được lãnh đạo Chứng khoán Bản Việt, đứng đầu là bà Nguyễn Thanh Phượng, ông Tô Hải, ông Nguyễn Bảo Hoàng... thông qua và công bố trên thị trường chứng khoán.

Trên thực tế, các con số doanh thu 1,65 ngàn tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 680 tỷ đồng là đáng mơ ước đối với nhiều công ty chứng khoán. Tuy nhiên, so với chính VCSC thì là một sự đi lùi, và nói thể hiện sự thận trọng của ban lãnh đạo đối với những diễn biến kém sôi động trên TTCK thời gian gần đây cũng như những tác động tiêu cực có thể có đến từ thị trường tài chính thế giới.

Trong năm 2018, Chứng khoán Bản Việt của bà Nguyễn Thanh Phượng ghi nhận sự bứt phá kỷ lục, với doanh thu hơn 1,82 ngàn tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hơn 1 ngàn tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 820 tỷ đồng.

Bản Việt thậm chí còn bất ngờ vươn lên vị trí số 1 về thị phần môi giới cổ phiếu, chứng chỉ quỹ trong quý 4/2018 với 17,04% thị phần, vượt qua Chứng khoán Sài Gòn (SSI) của ông trùm chứng khoán Nguyễn Duy Hưng (SSI 15%).

Cú lật thế cờ của doanh nghiệp bà Nguyễn Thanh Phượng nhiều khả năng nhờ thương vụ CTCP Tập đoàn Masan (MSN) của tỷ phú USD Nguyễn Đăng Quang bán toàn bộ 110 triệu cổ phiếu quỹ cho Tập đoàn SK Group của Hàn Quốc thu về 470 triệu USD. 

Sau đột biến ngàn tỷ, Doanh nghiệp bà Nguyễn Thanh Phượng tính bước thận trọng - Ảnh 1

 Chứng khoán Bản Việt đặt kế hoạch 2019 thận trọng.

Không chỉ Bản Việt, nhiều công ty chứng khoán (CTCK) khác cũng đặt kế hoạch kinh doanh 2019 khá thận trọng.

Công ty Chứng khoán FPT (FPTS) đặt kế hoạch năm 2018 với doanh thu 350 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 220 tỷ đồng, giảm lần lượt 26,5% và 24,4% so với năm 2018.

Chứng khoán TP.HCM (HSC) cũng đặt mục tiêu doanh thu 1.666 tỷ đồng, giảm 2% so với doanh thu đạt được năm 2018. Trong khi lợi nhuận sau thuế 681 tỷ đồng, chỉ tăng 1% so với năm 2018.

Sở dĩ các CTCK đưa ra kế hoạch kinh doanh thận trọng là bởi dự báo kinh tế thế giới và trong nước có nhiều thách thức hơn so với năm 2018. Trong khi đó, trên thị trường chứng khoán trong nước đang diễn ra sự cạnh tranh khốc liệt cả về thị phần, khách hàng và nhân sự, trong bối cảnh số lượng CTCK vẫn còn quá nhiều so với quy mô thị trường.

Sự thận trọng còn thấy ở các doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực khác, trong đó có ngân hàng, bất động sản, xây dựng...

Hàng loạt ngân hàng thương mại cổ phần tại Việt Nam đưa ra kế hoạch lợi nhuận thận trọng trong năm 2019, phần lớn thấp hơn mức tăng trưởng đạt được trong năm 2018. NamABank của cố doanh nhân Tư Hường chỉ đặt kế hoạch lợi lợi nhuận trước thuế năm 2019 chỉ tăng 8% lên 800 tỷ đồng.

Sau đột biến ngàn tỷ, Doanh nghiệp bà Nguyễn Thanh Phượng tính bước thận trọng - Ảnh 2

 Bà Nguyễn Thanh Phượng.

Ở mảng vật liệu xây dựng, bất động sản, Tập đoàn Hòa Phát của ông Trần Đình Long đặt kế hoạch lợi nhuận 2019 sụt giảm 22%, tỷ lệ trả cổ tức cũng thấp hơn năm 2018. Sở dĩ Hòa Phát đặt kế hoạch thấp hơn do lo ngại giá thép sẽ thấp hơn năm trước. Việc Trung Quốc bỏ thuế xuất khẩu phôi thép vuông nhằm đẩy mạnh xuất khẩu là một trong những yếu tố tiêu cực. Nó xuất phát từ những căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.

Trong nước, lạm phát tiềm ẩn những rủi ro mới. Giá xăng, giá điện tăng sẽ tác động đến CPI, chi phí đầu vào tăng sẽ tác động đến biên lợi nhuận của các doanh nghiệp.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), sự thận trọng cũng được phản ánh ở không khí giao dịch buồn tẻ hơn, thanh khoản ở mức thấp và chỉ số VN-Index nhiều lần thất bại trước ngưỡng 1.000 điểm cho dù đã rớt khoảng 26% trong khoảng 1 năm qua.

Nhóm dầu khí chịu áp lực chốt lời và giảm khá mạnh sau những phiên nóng gần đây. Thị trường không giảm sâu nhờ sức kéo từ một số cổ phiếu trụ cột như Vinhomes, Vingroup, Masan, VietJet,... Một số cổ phiếu dệt may, thủy sản, xây dựng và bất động sản cũng khá tích cực ở vào mùa đại hội cổ đông.

Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn thận trọng trong các dự báo.

SHS cho rằng, xu hướng của VN-Index tiếp tục nghiêng về giảm nhiều hơn với ngưỡng hỗ trợ gần nhất tại 980 điểm và xa hơn quanh 965 điểm. Trong khi Rồng Việt dự báo, nhịp phục hồi ngắn hạn có thể xuất hiện cho dù xu hướng giảm dường như vẫn chiếm ưu thế và rủi ro vẫn còn hiện hữu..

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 11/4, VN-Index tăng 4,04 điểm lên 985,95 điểm; HNX-Index tăng 0,14 điểm lên 107,57 điểm. Upcom-Index giảm 0,08 điểm xuống 56,49 điểm.

Tin Cùng Chuyên Mục