Ngày pháp luật

Sau đồng hồ, Thế giới Di động lại buôn thêm mắt kính

Theo Việt Đức/Zing

Trong bối cảnh thị trường điện thoại bão hòa, ông Đoàn Văn Hiểu Em cho biết Thế giới Di động muốn chiếm 30-50% thị phần đồng hồ, và mức tương tự với mắt kính.

Sau 3 tháng bán đồng hồ, tuần này, Thế giới Di động vừa thử nghiệm kinh doanh mắt kính tại cửa hàng đầu tiên ở TP.HCM.

CEO chuỗi Thế giới Di động và Điện máy Xanh, ông Đoàn Văn Hiểu Em cho biết ngoài mục đích tăng doanh thu, mắt kính và đồng hồ có thể kéo thêm khách hàng đến với các điểm bán, qua đó giúp ngành hàng điện thoại tăng trưởng thêm.

'Thị trường điện thoại bão hòa'

Nhận định về mảng bán lẻ điện thoại, ông Hiểu Em thừa nhận thị trường chung đã bão hòa. Doanh số của toàn thị trường có dấu hiệu đi xuống.

"Chúng tôi không chủ trương mở mới các cửa hàng Thế giới Di động nữa, nếu có cũng rất ít mà tập trung phát triển thêm điểm bán của Điện máy Xanh", CEO 8X nói.

Trước 2018, cửa hàng điện thoại là chuỗi đóng góp phần lớn doanh thu và lợi nhuận cho Thế giới Di động. Đây cũng là chuỗi được công ty đầu tư rất nhiều và tăng rất nhanh số lượng mỗi năm.

Sau đồng hồ, Thế giới Di động lại buôn thêm mắt kính - Ảnh 1
Ông Đoàn Văn Hiểu Em, CEO chuỗi Thế giới Di động và Điện máy Xanh.

Tuy nhiên, từ năm 2018, kết quả kinh doanh của chuỗi này bắt đầu có dấu hiệu chững lại, bất chấp số lượng cửa hàng vẫn được duy trì ở mức cao. Như quý I/2017, tỷ trọng đóng góp của chuỗi thegioididong.com vào tổng doanh thu công ty lên tới 58% với 940 cửa hàng. Đến quý I/2018, với 1.072 cửa hàng, chuỗi này lại chỉ đóng góp 42% tổng doanh thu hợp nhất của công ty. Tỷ trọng này thậm chí đã tụt xuống còn 35% trong quý I/2019 vừa qua khi mà số lượng cửa hàng điện thoại giảm còn 1.023.

Dù vậy, ông Hiểu Em vẫn lạc quan rằng công ty vẫn có cơ hội tăng trưởng ở ngành hàng điện thoại từ việc lấy thêm thị phần của khoảng 7.000 cửa hàng bán lẻ nhỏ theo hình thức hộ gia đình.

Sau đồng hồ, Thế giới Di động lại buôn thêm mắt kính - Ảnh 2
 

"Quy mô thị trường điện thoại rất lớn nên chỉ cần tăng trưởng vài phần trăm cũng là một con số rất cao", ông Hiểu Em chia sẻ.

Từ đầu năm đến nay, Thế giới Di động đã đóng cửa hàng chục cửa hàng. Nếu tính từ đầu năm 2018 đến nay, doanh nghiệp đã đóng cửa tổng cộng khoảng 50 cửa hàng trong chuỗi kinh doanh này.

Ông Hiểu Em giải thích việc này nhắm tối ưu doanh thu. Những điểm bán đạt một số điều kiện nhất định, công ty sẽ chuyển đổi thành cửa hàng điện máy. "Chúng tôi đang chiếm 37% của thị trường điện máy nên dư địa để tăng trưởng ở ngành hàng này còn rất nhiều", ông Hiểu Em chia sẻ.

Muốn kiếm hàng trăm triệu USD từ đồng hồ, mắt kính

Trong bối cảnh mảng điện thoại tăng trưởng chậm, đồng hồ thời trang đã doanh nghiệp bổ sung vào danh mục sản phẩm bán từ tháng 3 vừa qua. 

Sau 3 tháng bán đồng hồ với doanh thu từ 600 triệu đồng đến 1 tỷ đồng mỗi tháng từ sản phẩm này, Thế giới Di động vừa bổ sung mặt hàng mắt kính vào danh mục hàng hóa.

Sau đồng hồ, Thế giới Di động lại buôn thêm mắt kính - Ảnh 3
Thế giới Di động thử nghiệm kinh doanh mắt kính sau 3 tháng bán đồng hồ. Ảnh: MWG.

Trong khi đó, với đồng hồ, doanh nghiệp sẽ đẩy nhanh việc kinh doanh. Đầu tháng 7, sản phẩm này sẽ được bán tại hơn hơn 40 cửa hàng và qua tháng 9 con số sẽ được nâng lên 100. Doanh nghiệp cũng đặt mục tiêu có 500 cửa hàng bán đồng hồ đến cuối năm 2020.

Bên cạnh chuỗi Thế giới Di động, doanh nghiệp dự kiến đưa đồng hồ vào bán tại chuỗi Điện máy Xanh. Hiện nay, hệ thống này đã bán thêm xoong chảo...

CEO 8X nhận định thị trường đồng hồ chính ngạch ở Việt Nam có quy mô từ 800 triệu đến 1 tỷ USD với trên dưới 500 cửa hàng bán lẻ tiêu chuẩn. "Chúng tôi muốn chiếm 30-50% thị phần thị trường đồng hồ. Ngoài ra, tôi nghĩ thị trường mắt kính cũng có quy mô tương đương, thậm chí còn lớn hơn", ông Hiểu Em trả lời.

Trả lời Zing.vn về việc liệu sẽ kinh doanh mặt hàng mới nào sau đồng hồ và mắt kính, ông Hiểu Em cho biết chưa thể chắc chắn nhưng luôn sẵn sàng đem thêm sản phẩm, dịch vụ vào cửa hàng nếu phù hợp.

Theo ông Hiểu Em,  ngành hàng điện thoại, điện máy khi đạt đỉnh sẽ phải chững lại trong khi nhu cầu nhu yếu phẩm hàng ngày gần như không có khái niệm bão hòa.

"Để tăng tốc doanh thu của Bách hóa Xanh như kỳ vọng thì cần thêm 2-3 năm nữa. Một vài năm tới, Thế giới Di động và Điện máy Xanh vẫn sẽ là "con bò sữa" hái ra tiền để tập đoàn đầu tư cho bách hóa cũng như nhiều chuỗi khác trong tương lai", ông Hiểu Em nhấn mạnh.

Tin Cùng Chuyên Mục