Ngày pháp luật

Sau bao năm chấp nhận ẩn mình, tỷ phú kín tiếng vụt bước lên số 1

Theo H.Tú/Vietnamnet

Tỷ phú kín tiếng gốc Đông Âu không chỉ giàu nhất trong ngành mà đế chế đại gia này gầy dựng đã bứt phá lên số 1, vượt qua nhiều ông lớn chỉ trong khoảng thời gian ngắn ngủi.

Sau bao đồn đoán, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam - Techcombank (TCB) của ông Hồ Hùng Anh đã công bố kết quả kinh doanh ấn tượng và trở thành ngân hàng gốc tư nhân có lợi nhuận cao nhất trong hệ thống, vượt qua cả 2 ông lớn nguồn gốc quốc doanh Vietinbank và BIDV.

Theo đó, lợi nhuận trước thuế 2018 của Techcombank đạt gần 10,7 ngàn tỷ đồng (tăng 31%). So với năm 2017, Techcombank đã vượt 3 bậc lên vị trí số 2 về lợi nhuận trong toàn ngành, chỉ thua ngân hàng có nguồn gốc quốc doanh Vietcombank.

Như vậy, chỉ trong khoảng hơn nửa năm kể từ khi đưa cổ phiếu TCB lên niêm yết trên thị trường chứng khoán, ông Hồ Hùng Anh đã liên tiếp ghi nhận những kỷ lục mới: trở thành đại gia giàu nhất hệ thống ngân hàng; làm cú tăng vốn cho Techcombank 1 gấp 3 lần; vượt qua VPBank của ông Ngô Chí Dũng trở thành ngân hàng tư nhân có quy mô vốn điều lệ cũng như vốn hóa lớn nhất.

Đây cũng là lần đầu tiên một ngân hàng tư nhân lọt top 3 lợi nhuận.

Sở dĩ Techcombank của đại gia Hồ Hùng Anh trở thành á quân lợi nhuận ngành ngân hàng trong năm vừa qua là bởi TCB ghi nhận tăng trưởng tín dụng vượt trội: 20%; tín dụng cho vay mua nhà tăng cao, cũng ở mức 20%; bán lẻ tăng mạnh; dẫn đầu về thanh toán qua thẻ Visa và số 1 trên thị trường bancassurance,...

Sau bao năm chấp nhận ẩn mình, tỷ phú kín tiếng vụt bước lên số 1 - Ảnh 1
Ông Hồ Hùng Anh.

Cũng giống như một số ngân hàng tư nhân thành công trước đó, Techcombank của ông Hồ Hùng Anh tập trung vào các mảng sinh lời lớn như cho vay tiêu dùng, cho vay mua nhà ở, ô tô, dịch vụ tài chính, gải trí, du lịch,...

Thu nhập từ lãi vẫn là khoản chính, chiếm khoảng 60% doanh thu.

Ông Hồ Hùng Anh là đại gia gốc Đông Âu, giàu nhất ngành ngân hàng Việt. Hồi tháng 4/2018, ông Hồ Hùng Anh đã từ nhiệm chức vụ phó Chủ tịch cũng như thành viên HĐQT tại Tập đoàn Masan sau 10 năm gắn bó để dồn lực vào Techcombank với cương vị chủ tịch. 

Chỉ trong năm 2018, ông Hồ Hùng Anh đã làm nhiều thương vụ tỷ USD, từ bán vốn cho nước ngoài cho tới phát hành tăng vốn trong nước, gây đảo lộn vị trí trong hệ thống tổ chức tín dụng Việt.

Hiện ông Hồ Hùng Anh sở hữu hơn 39 triệu cổ phiếu Techcombank. Vợ và mẹ ông Hùng Anh mỗi người nắm giữ một hơn 174 triệu cổ phiếu TCB, tương đương mỗi người khoảng 5%. Em gái của ông Hùng Anh sở hữu gần 115  triệu TCB; con trai sở hữu hơn 93 triệu. Đó là chưa kể số cổ phiếu Masan (MSN) mà nhà ông Hùng Anh nắm giữ.

Tổng cộng nhà ông Hồ Hùng Anh có thể nắm giữ khoảng 600 triệu cổ phiếu TCB trên khoảng 3,57 tỷ cổ phiếu TCB đang lưu hành, tương đương 17% vốn điều lệ của ngân hàng Techcombank.

Techcombank đưa hơn 1,1 tỷ cổ phiếu TCB lên sàn chứng khoán từ 4/6/2018 với mức tham chiếu 128.000 đồng/cp. Sau cú chia tách cổ phiếu nhằm tăng vốn điều lệ, cổ phiếu Techcombank hiện đang ở mức khoảng 27.000 đồng/cp.

Ông Hồ Hùng Anh sinh năm 1970, là thành viên HĐQT Techcombank từ 2004-2005, là phó chủ tịch thứ nhất tại HĐQT Techcombank từ 2006 đến 2008. Từ tháng 5/2008 tới nay, ông Hùng Anh là chủ tịch Techcombank.

Trong năm 2018, nhiều ngân hàng cũng ghi nhận lợi nhuận tăng mạnh lên mức kỷ lục.

VPBank của ông Ngô Chí Dũng ghi nhận thu nhập lãi thuần hợp nhất hơn tỷ USD, với phần lớn đến từ hoạt động cho vay, với trọng tâm là cho vay tiêu dùng. Trừ đi chi phí, lợi nhuận trước và sau thuế đạt tương ứng gần 9,2 ngàn tỷ và 7,4 ngàn tỷ đồng, mức kỷ lục từ trước tới nay.

Năm 2018 cũng chứng kiến sự phân hóa về tăng trưởng lợi nhuận. Hai ngân hàng có nguồn gốc quốc doanh BIDV và VietinBank đều bị lùi về sau. Vietinbank thậm chí xếp sau Agribank, MBBank và VPBank.

Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank) ghi nhận lợi nhuận tăng mạnh mẽ lên 7,7 ngàn tỷ đồng và là 1 trong 3 ngân hàng tư nhân lọt top 5 lợi nhuận cao.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), thanh khoản tiếp tục đứng ở mức thấp, VN-Index gặp khó trước ngưỡng 910 điểm cho dù nhóm ngân hàng tiếp tục tăng điểm nhờ kết quả kinh doanh ấn tượng năm vừa qua.

Nhờ lợi nhuận kỷ lục, các cổ phiếu như Techcombank, VPBank, MBBank, Sacombank, ACB,... tiếp tục là trụ cột nâng đỡ TTCK tránh khỏi giảm điểm do thanh khoản thấp.Một số cổ phiếu blue-chips mảng bán lẻ như PNJ, FPT,... tăng điểm.

Một số công ty chứng khoán (CTCK) vẫn có những cái nhìn thận trọng trong các dự báo.

CTCK Bảo Việt (BVSC) cho rằng, thị trường dự kiến sẽ tiếp tục có biến động giằng co với các phiên tăng giảm đan xen, kèm theo sự phân hóa mạnh ở các dòng cổ phiếu trong những phiên kế tiếp. Tỷ trọng danh mục giai đoạn này nên được duy trì ở mức tối đa 30-35% cổ phiếu.

Rồng Việt nhận định, trong ngắn hạn, thị trường vẫn duy trì nhịp đi ngang với các nhịp tăng giảm xen kẽ trong biên độ nhỏ. Các cổ phiếu có sự phân hóa ngày càng mạnh. Nhà đầu tư nên tiếp tục tập trung vào các mã cổ phiếu riêng lẻ và không cần quá quan tâm đến các chỉ số chung.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 24/1, VN-Index tăng 0,61 điểm lên 908,79 điểm; HNX-Index tăng 0,11 điểm lên 102,78 điểm. Upcom-Index giảm 0,13 điểm xuống 53,76 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 140 triệu đơn vị, trị giá 3,1 ngàn tỷ đồng.

Tin Cùng Chuyên Mục