CTCP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 3 và 9 tháng năm 2018.
Theo đó, trong quý 3 vừa qua, Vinasun đoạt doanh thu 538 tỷ đồng, báo lãi trước thuế 39 tỷ đồng và lãi sau thuế gần 31 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước, doanh thu Vinasun chỉ giảm chưa tới 2% nhưng lợi nhuận giảm tới 33%.
Điểm tích cực trong kết quả kinh doanh quý 3 vừa qua là hoạt động kinh doanh chính của Vinasun đã có lãi trở lại, sau khi trải qua 3 quý thua lỗ liên tiếp.
Từ đầu năm 2017, doanh thu Vinasun giảm dần và đến quý 4/2017, công ty bắt đầu ghi nhận lỗ từ hoạt động kinh doanh taxi. Vinasun chỉ có lợi nhuận nhờ hoạt động bán xe. Liên tiếp trong 2 quý đầu năm 2018, tình hình vẫn chưa được cải thiện khi bán xe vẫn là nguồn thu lợi nhuận chính, phải bù đắp cho hoạt động taxi thua lỗ.
Sang quý 3 vừa qua, hoạt động kinh doanh kinh doanh taxi báo lãi 22 tỷ đồng, chấm dứt chuỗi 3 quý lỗ liên tiếp.
Với kết quả này, Vinasun sau 9 tháng đạt doanh thu 1.556 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế giảm tới hơn 60% xuống còn 70 tỷ đồng.
Trong cơ cấu doanh thu của Vinasun hiện nay, doanh thu vận tải hành khách bằng taxi chỉ còn chiếm khoảng 43%, xấp xỉ với nguồn thu mới, là doanh thu nhượng quyền, hợp tác thương mại và khai thác taxi. Sự chuyển dịch này là do Vinasun đã thay đổi chiến lược kinh doanh, chuyển sang mô hình cho thuê xe, thay vì phân chia phí taxi.
Trong mô hình chia sẻ doanh thu truyền thống, Vinasun sở hữu xe và thuê người lái rồi chia sẻ doanh thu với lái xe. Lái xe nhận 40-60% doanh thu và phải chịu tiền xăng. Trong khi đó, Vinasun nhận phần còn lại và trả các chi phí khác liên quan đến xe như chi phí điểm đón khách, bảo dưỡng định kỳ, chi phí sửa chữa xe.
Với mô hình cho thuê lái xe, lái xe nhận toàn bộ doanh thu và trả cho Vinasun một khoản phí thuê cố định từ 600.000-800.000 đồng/ngày. Lái xe sẽ chi trả toàn bộ chi phí liên quan đến xe bao gồm chi phí xăng xe, chi phí bảo dưỡng, chi phí sửa xe, chi phí bến đỗ.