Tại cuộc họp giao ban của Bộ Thông tin & Truyền thông vừa diễn ra, lãnh đạo Bộ cho biết về kế hoạch triển khai mobile money. Theo cơ quan này, tuy đã chậm, song cố gắng trong tháng 6, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Thông tin & Truyền thông sẽ cấp phép cho các doanh nghiệp viễn thông, đề nghị các đơn vị chuẩn bị kỹ đề án cũng như cơ sở vật chất để triển khai nhanh khi có giấy phép. Báo cáo của Bộ cũng cho biết, Thủ tướng đã đồng ý để cho phép triển khai trên toàn quốc.
Trước đó, trong Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp diễn ra sáng 9/5, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết đã trình Thủ tướng Quyết định triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các dịch vụ khác có giá trị nhỏ. Đồng thời Ngân hàng Nhà nước cũng đang hoàn tất các thủ tục trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định về thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
Nếu mobile money được triển khai thì chủ thuê bao có thể chuyển tiền, thanh toán, giao dịch tín dụng nhỏ... thực hiện qua điện thoại di động. Khách hàng chính là những cá nhân chưa có tài khoản ngân hàng. Theo báo cáo của Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV, tiền di động đang hoạt động tại 90 quốc gia với gần 870 triệu tài khoản đăng ký, 272 ứng dụng, doanh số giao dịch mỗi ngày bình quân 1,3 tỷ USD. Tại Châu Á, đặc biệt là Thái Lan và Ấn Độ, dịch vụ này cũng đang phát triển nhanh với một nửa hoặc 2/3 người lớn có tài khoản mobile.
Ưu điểm của mobile money là sự thuận tiện, chi phí thấp, khả năng phủ sóng tốt song. Tuy nhiên, trong bối cảnh ở Việt Nam, tình trạng sử dụng sim rác còn phổ biến nên có một số rủi ro như dữ liệu thiếu chính xác, tính bảo mật... Cũng bởi vậy, những năm qua, cơ quan quản lý rất thận trọng trong việc nghiên cứu, xây dựng khung pháp lý hoạt động này.