Những ngày đầu năm, thông tin về giao dịch phát hành cổ phần giữa CTCP Ô tô Trường Hải - THACO và tập đoàn JC&C đến từ Singapore đã khiến giới kinh doanh dậy sóng.
Nếu không có gì thay đổi, với kế hoạch tăng vốn lên 16.950 tỷ đồng thông qua chào bán riêng lẻ cổ phần cho JC&C mức giá dự kiến phát hành lên đến 128.500 đồng/cổ phần. Kéo theo đó, định giá của tập đoàn này sẽ lên mức 217.800 tỷ đồng (9,4 tỷ USD), tương đương với VinHomes.
Với cương vị là ông chủ của THACO, người nắm giữ cổ phần lên đến gần 71%, với mức vốn hóa 9,4 tỷ USD thì ông Trần Bá Dương và gia đình sẽ sở hữu khối tài sản trị giá lên đến 6,7 tỷ USD. Con số này sẽ tương đương với khối tài sản của tỷ phú đôla Phạm Nhật Vượng - ông chủ Tập đoàn VinGroup - Người giàu nhất Việt Nam ở thời điểm hiện tại.
Xây dựng Tập đoàn THACO từ những ngày đầu, ông Trần Bá Dương có xuất phát điểm không có gì nổi bật. Lớn lên trong thời bao cấp, cha mất sớm, mẹ bươn chải nuôi các anh em ăn học, sau khi tốt nghiệp Đại học Bách khoa TPHCM khoa Kỹ sư Cơ khí, ông Trần Bá Dương trở thành một kỹ sư sửa chữa tại nhà máy đại tu ô tô Đồng Nai. Cơ duyên làm việc tại đây đã dẫn dắt ông tới ngành ô tô,
Năm 1997, chàng kỹ sư Trần Bá Dương thành lập Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (THACO). Sau 20 năm, THACO đã vươn mình trở thành một ông lớn trong ngành ô tô, sản xuất kinh doanh đầy đủ chủng loại: xe du lịch, xe bus, xe tải và xe chuyên dụng ở tất cả các phân khúc theo thương hiệu trung cấp, cao cấp, hạng sang (bao gồm xe du lịch: Kia, Mazda, Peugeot, BMW và xe thương mại: Thaco Bus, Mitsubishi Fuso, Kia tải, Foton và thương hiệu máy nông nghiệp Thaco và LS với đầy đủ các tải trọng, kích cỡ nhỏ, trung và lớn.
Trong một bài phỏng vấn cách đây 2 năm, tỷ phú Trần Bá Dương đã có những chia sẻ về vấn đề khởi nghiệp. Theo ông, muốn khởi nghiệp thành công cần tránh cái bẫy "ảo tưởng", luôn nghĩ sản phẩm mình tốt và dễ dàng nhận được sự đón nhận của thị trường.
"Không ít người khởi nghiệp thất bại. Cái bẫy lớn nhất là chúng ta hơi chủ quan, nghĩ kinh doanh dễ dàng, thiếu sự chuẩn bị các nguồn lực cần phải có. Cho dù chúng ta có thể khó khăn về tài chính, háo hức để thể hiện mình, thì bài bản trong kinh doanh phải có và phải được thể hiện rõ ràng.
Ông cũng cho rằng nếu khởi nghiệp vì tiền thì rất khó đi được tới thành công. Triết lý này đã được nhiều doanh nhân tên tuổi khác như Phạm Nhật Vượng, Trịnh Văn Quyết nhắc tới và coi đó là "kim chỉ nam" trong sự nghiệp.
"Trước hết phải tự hỏi có đam mê với nghề, có hết mình với nghiệp không? Nếu chỉ kinh doanh để thoát nghèo, để làm giàu thì có thể thất bại ngay từ lúc khởi nghiệp, bởi không có đủ động lực để đi xa."
Cuối cùng, vị tỷ phú 58 tuổi cho rằng muốn thành công phải làm đúng với cái "Tâm" của mình.
"Hãy làm đúng, làm thật ngay từ đầu, có tâm trước, sống với nghề, làm từ nhỏ tới lớn với sự nỗ lực, kiên trì tích lũy từng bước một để bước vào đời, tôi cho rằng đó là cách để khởi nghiệp thành công."