Vào đầu tháng 3, Phó Chủ tịch Samsung Han JongHee đã tuyên bố robot sẽ trở thành lĩnh vực kinh doanh mới của công ty.
“Chúng tôi đã tích luỹ công nghệ trong các lĩnh vực robot khác nhau và sẽ xem xét việc thương mại hoá để các thế hệ tương lai có thể trải nghiệm các loại robot đồng hành ”, ông Han nói trong một cuộc họp với các nhà đầu tư.
Cho đến nay, Samsung đã giới thiệu nhiều loại robot phục vụ khác nhau. Tại Triển lãm điện tử tiêu dùng (CES) năm 2019, Samsung ra mắt Samsung Bot, bao gồm nhiều robot với các tính năng riêng biệt: Samsung Bot Care – quản lý các thói quen sức khoẻ hàng ngày, Samsung Bot Air – tự điều hoà và làm sạch không khí, Samsung Bot Retail – hướng dẫn viên mua sắm cá nhân, Samsung GEMS – tập luyện tăng cường cơ bắp và dáng bộ.
Vào năm 2020, Samsung giới thiệu một mẫu robot mới là Ballie – robot quản gia, có hình dạng như một quả bóng nhỏ và mới đây nhất là Samsung Bot Handy, mẫu robot giúp việc gia đình, được ra mắt vào đầu năm 2021.
Hiện các mẫu robot của Samsung vẫn chưa được “lên kệ”, nhưng công ty dự kiến sẽ thương mại hoá Samsung GEMS của mình trong năm nay.
Bên cạnh đó, LG cũng đang có kế hoạch phát triển robot như một trong những mặt hàng kinh doanh trong tương lai. Bằng cách áp dụng công nghệ robot của mình vào các tình huống khác nhau, công ty định hướng phát triển các robot dịch vụ có thể nâng cao sự tiện lợi trong cuộc sống hàng ngày.
Để nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu và phát triển sản phẩm, LG gần đây đã chiêu mộ nhà khoa học robot nổi tiếng – Dennis Hong làm cố vấn cho hoạt động kinh doanh. Công ty này cho biết, ông Hong sẽ đóng một phần không thể thiếu trong kế hoạch dài hạn nhằm phát triển các giải pháp logistics, bao gồm lưu trữ và giao hàng tận nhà cho người tiêu dùng.
Kong JaeSung – giáo sư kỹ thuật robot tại Korea Polytechnics cho rằng, với sự phát triển vượt trội của công nghệ chế tạo robot và các công nghệ hỗ trợ khác như trí tuệ nhân tạo (AI) và cảm biến, robot phục vụ được kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh trong tương lai.