Được điểm danh là các công ty đầu tư nước ngoài có quy mô và hoạt động nổi bật nhất trong các nhóm ngành sản xuất, Samsung và Formosa lại cho thấy bức tranh kinh doanh trái ngược tại báo cáo mới đây của Bộ Tài chính.
Theo đó, dù cùng là doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài, năm 2019, hoạt động sản xuất của Samsung với 2 nhà máy lớn ở Thái Nguyên và Bắc Ninh thu về lợi nhuận trước thuế gần 85.000 tỷ đồng, trong khi đó Formosa Hà Tĩnh thua lỗ hơn 11.500 tỷ đồng.
Về Samsung, theo Bộ Tài chính, năm 2019 tổng doanh thu của Samsung Bắc Ninh (SEV Bắc Ninh), Samsung Thái Nguyên (SEV Thái Nguyên) là 1,1 triệu tỷ đồng, chiếm 48% doanh thu toàn ngành, tăng 5% so với năm 2018. Tổng lợi nhuận sau thuế đạt gần 81.000 tỷ đồng.
Trong đó, SEV Bắc Ninh có tổng tài sản đạt 247.008 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu khoảng 219.100 tỷ đồng. Tương tự, tổng tài sản của SEV Thái Nguyên hiện có khoảng 277.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 235.600 tỷ đồng.
Trái ngược với Samsung, Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa ghi nhận thua lỗ hàng chục nghìn tỷ đồng trong năm 2019.
Tính riêng năm 2019, tổng tài sản của Formosa là 286.800 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu khoảng 100.800 tỷ đồng. Doanh thu sản xuất kinh doanh, doanh thu từ hoạt động tài chính của Formosa Hà Tĩnh đạt khoảng 72.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, số lỗ của Formosa là 11.500 tỷ đồng, gấp hơn 4,2 lần so với năm 2018. Số nợ ngắn hạn và dài hạn của doanh nghiệp này cũng khá cao, trong đó nợ ngắn hạn là gần 64.400 tỷ đồng, nợ dài hạn là gần 121.600 tỷ đồng.
Một doanh nghiệp khác cũng hoạt động sản xuất kinh doanh lĩnh vực sắt thép là Posco Yamato Vina tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng ghi nhận lỗ năm 2019. Cụ thể, lỗ lũy kế tính hết năm 2019 là 8.900 tỷ đồng, trong đó lỗ năm 2019 là hơn 2.780 tỷ đồng.
Trong nhóm ngành sản xuất sắt thép và kim loại, Bộ Tài chính cho biết số lỗ lũy kế năm 2019 khá lớn lên đến hơn 42.300 tỷ đồng, trong đó riêng lỗ lũy kế của Formosa chiếm gần 60%. Số hàng tồn kho của ngành sắt thép tính đến năm 2019 là hơn 52.800 tỷ đồng, trong đó tồn kho của Formosa chiếm gần 50%.