Làn sóng đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam sẽ sớm sôi động trở lại
Ý tưởng này được ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam đưa ra tại hội nghị đối thoại của Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ và các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam chiều 17/7, nhằm góp phần giải quyết những khó khăn của doanh nghiệp trong bối cảnh Covid-19.
Ông Choi Joo Ho cho rằng, các vấn đề về logistics như thủ tục hải quan quốc tế liên tục phát sinh do tác động từ đại dịch Covid-19 vẫn tiếp diễn. Nhiều công ty xuất khẩu ở Việt Nam đang gặp ít nhiều khó khăn trong nhập khẩu nguyên liệu và logistics cho xuất khẩu sản phẩm.
Ngoài ra, do việc tạm dừng khai thác các đường bay quốc tế như châu Âu là thị trường khai thác chính, nên ngành logistics hàng không cũng đang gặp nhiều khó khăn về phương diện thời gian và chi phí.
Do đó, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam đề xuất Vietnam Airlines có thể chuyển đổi số máy bay còn lại của Việt Nam - nơi có nhiều đường bay thăng đến châu Âu sang thành máy bay chở hàng tạm thời, thì điều này được kỳ vọng có thể giúp cả hãng hàng không và doanh nghiệp xuất khẩu được hưởng các lợi ích kinh tế.
Một kiến nghị đáng chú ý khác của các doanh nghiệp Hàn Quốc là mong muốn nới lỏng nhập cảnh cho doanh nhân nước này.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham), các doanh nhân phải chi trả rất nhiều chi phí và tốn thời gian cách ly tại nhà trong 2 tuần tại Hàn Quốc và 2 tuần cách ly ở Việt Nam. Như vậy là mất tổng cộng 4 tuần cách ly nên không thể di chuyển giữa 2 nước được.
Kocham kiến nghị Chính phủ Việt Nam nên cân nhắc đến chính sách loại bỏ hoặc rút ngắn thời gian cách ly đối với những doanh nhân liên quan đến đầu tư và công nghệ do phải tiến hành đầu tư gấp rút. Các doanh nghiệp cho rằng nếu đáp ứng một số yêu cầu nhất định, họ có thể sang công tác và tiến hành công việc bình thường được.
Cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc cũng kiến nghị một số vấn đề liên quan đến hiệp định tránh đánh thuế 2 lần giữa Việt Nam và Hàn Quốc, thuế nhà thầu nước ngoài; phát sinh thuế thu nhập cá nhân của người lao động được phái cử ngắn hạn; mã vạch của hàng hoá xuất khẩu; thủ tục xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa C/O theo Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam; xuất nhập khẩu, logistics; cải thiện thủ tục hành chính; xây dựng dịch vụ Fast-track (thủ tục nhanh) khi nhập cảnh…
Hàn Quốc là nhà đầu tư FDI lớn nhất tại Việt Nam, tổng số vốn lũy kế gần 70 tỷ USD với hơn 8.000 dự án đang tạo việc làm cho trên 700.000 lao động ở nhiều địa phương, đóng góp 30% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam.
Đánh giá việc thông qua Luật đầu tư công tư là cơ hội cho các doanh nghiệp Hàn Quốc tham gia vào các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng quy mô lớn của Việt Nam, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Park Nok Wan tin tưởng, làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc vào Việt Nam sẽ sớm sôi động trở lại. Để thực hiện mục tiêu đó, Đại sứ Park Nok Wan cho rằng, các doanh nghiệp Hàn Quốc cần chủ động xây dựng chính sách, đáp ứng yêu cầu của Việt Nam.
Xây dựng hệ thống hành chính thân thiện với doanh nghiệp
Trả lời các ý kiến của doanh nghiệp Hàn Quốc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, về kiến nghị dùng máy bay Vietnam Airlines để chở hàng, Thủ tướng đã chỉ đạo tăng cường các chuyến bay này.
Về vấn đề tạo điều kiện nhập cảnh cho doanh nhân Hàn Quốc, theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, tinh thần của Thủ tướng là trong thời điểm hiện nay phải tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ kép. Trong khi chưa mở các chuyến bay thương mại, Thủ tướng đang tích cực giải quyết cho các chuyên gia, lao động, người thân của chuyên gia, doanh nghiệp, chủ đầu tư… nhập cảnh vào Việt Nam.
“Ngay khi nhận được văn bản đề xuất, có thể thông qua Đại sứ quán hoặc gửi thẳng lên Văn phòng Chính phủ, chúng tôi sẽ giải quyết trong 24 giờ, qua đó chúng tôi yêu cầu các bộ, cơ quan cấp visa, thị thực nhập cảnh, giải quyết giấy phép lao động… và cho chuyên gia, doanh nhân được thực hiện cách ly tại cơ quan, doanh nghiệp… dưới sự giám sát của y tế địa phương để bảo đảm công tác phòng chống dịch Covid-19”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Ông cũng đề xuất với các doanh nghiệp rằng thay vì thay đổi chuyên gia, người lao động gây nhiều tốn kém, doanh nghiệp có thể chuyển sang cách tiếp tục gia hạn visa, gia hạn giấy phép lao động…
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, trong năm 2020 và những năm tiếp theo, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương sẽ tập trung thực hiện có hiệu quả Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025, kiểm soát chặt chẽ các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, chuyển đổi phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm, tăng cường thừa nhận lẫn nhau.
Đồng thời, tích cực triển khai thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ, không gắn với địa giới hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, giảm chi phí xã hội và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Link bài gốc