Khi Steve Jobs qua đời, ông sở hữu khối tài sản 10,4 tỷ USD, trong đó giá trị cổ phiếu Apple mà Jobs nắm giữ chỉ trị giá 2,2 tỷ USD. Người đàn ông được mệnh danh là doanh nhân vĩ đại nhất mọi thời đại thậm chí còn không lọt vào danh sách 50 tỷ phú giàu nhất hành tinh.
Thời điểm năm 2011, Apple là "đứa con cưng" của Thung lũng Silicon và là công ty giá trị nhất thế giới. Trong khi đó, Microsoft còn ở phía sau cả "triệu dặm" vì họ đang phải giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến Windows 8.
Vậy mà lúc đó, Bill Gates vẫn "ngồi" trên một núi tiền trị giá 50 tỷ USD và nắm giữ vị trí người giàu nhất hành tinh trong nhiều năm liền.
Vậy tại sao lại có sự tương phản rõ rệt như vậy giữa hai thiên tài đứng đầu hai tập đoàn công nghệ khổng lồ này? Chỉ tính riêng về mặt tài sản, mọi người đều có thể nhận ra rằng Gates là một doanh nhân thành công hơn Jobs rất nhiều.
Trên thực tế, sự khác biệt đó được cho là xuất phát từ những quyết định không hoàn hảo trong khoảng thời gian đen tối nhất của sự nghiệp của Jobs, khiến ông mất khoảng 31,6 tỷ USD.
Năm 1985, Jobs rời Apple do bất đồng với CEO thời bấy giờ là John Sculley. 12 năm sau, ông mới trở lại Apple. Đáng lẽ ra, Jobs đã có một di sản ấn tượng hơn nếu không có sự ra đi với những quyết định cảm tính đó.
Ngoài học hỏi từ thành công, chúng ta cũng nên học hỏi từ thất bại của vị tỷ phú này bởi ngay cả những người giỏi nhất cũng có lúc mắc sai lầm.
Vị tỷ phú nóng nảy
Steve Jobs được đánh giá là một bậc thầy trong nghệ thuật bán hàng. Ông từng thuyết phục John Sculley rời Pepsi và trở thành CEO Apple vào năm 1983 với câu nói ấn tượng: "Bạn muốn bán nước có gas trong suốt phần đời còn lại hay muốn đi cùng tôi và thay đổi thế giới"?
Jobs là người có cá tính mạnh mẽ và muốn mọi thứ theo ý mình. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi bất đồng nảy sinh giữa ông và Sculley. Kết quả là Jobs đã thua cuộc. 9 năm sau khi đồng sáng lập Apple, ông phải rời đi. Tuy nhiên, ông vẫn sở hữu 11% cổ phần công ty.
Ông dùng 5 triệu USD để mua Pixar với mục đích biến nó thành "Apple thứ hai". Đồng thời, ông thành lập công ty máy tính NeXT. Khi không có sự ảnh hưởng của Jobs, giá cổ phiếu Apple tăng nhiều lần trong 10 năm tiếp theo. Và điều này khiến Jobs tức giận.
Ông quyết định bán tất cả cổ phiếu của mình và chỉ giữ lại duy nhất một cổ phiếu để vẫn được nhận báo cáo thường niên của công ty. Jobs đã tự "cắt đứt" mối liên hệ giữa bản thân với những thành quả tại công ty mà mình sáng lập.
Nếu chỉ bán 1-2% của 11% đó, Jobs vẫn đủ tiền để đầu tư cho Pixar và NeXT. Ông có một niềm tin rằng không có mình, Apple sẽ diệt vong. Đó là việc cái tôi và niềm kiêu hãnh bị đặt chưa đúng chỗ.
Chưa bao giờ quan tâm đến tiền
"Năm 25 tuổi, tôi sở hữu 100 triệu USD. Tôi quyết định sẽ không để nó hủy hoại cuộc đời mình. Bạn không thể tiêu hết được số tiền đó và tôi không coi của cải là thứ chứng minh cho sự thông minh của mình".
Jobs gần như không quan tâm đến thứ hạng của mình trong bảng xếp hạng tỷ phú và không dùng tiền làm động lực chính.
Chúng ta không phải là Steve Jobs
Hầu hết các doanh nhân đều trải qua ít nhất một lần thất bại và không phải ai cũng trở thành triệu phú hay tỷ phú. Cần có sự chăm chỉ và yếu tố may mắn nhất định để xây dựng một công ty thành công. Theo một thống kê, 20% doanh nhân trên thế giới làm việc 7 ngày/ tuần và 57% làm việc 6 ngày/ tuần.
Giả sử bạn xung đột với người đồng sáng lập hay cấp trên của mình, điều đó không có nghĩa là bạn không xứng đáng với phần thưởng từ thành công trong tương lai của công ty.
Và Jobs cũng vậy. Tuy nhiên, vì sự nóng nảy và cái tôi lớn, ông đã đánh mất cả chục tỷ USD. Với số tiền đó, ông/hoặc những công ty do ông đầu tư/hoặc gia đình của ông có thể sử dụng vào nhiều việc có ích khác nhau.
Đây chính là một bài học dành cho các doanh nhân. Trong bất cứ môi trường nào, đừng để cái tôi và sự ích kỷ cá nhân che lấp lý trí của mình. Về phương diện này, đừng học theo Steve Jobs bởi rất có thể, sau này bạn sẽ hối hận vì ra quyết định trong lúc nóng nảy.
Link bài gốc