Trong báo cáo về thị trường bất động sản mới đây, Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect dự báo, tại TP HCM, năm 2021 xu hướng tăng giá bán tiếp tục được duy trì. Lý do là sự phát triển các cơ sở hạ tầng có tác động trực tiếp đến thị trường bất động sản và lãi suất vay mua nhà giảm khiến nhu cầu nhà ở tăng cao hơn.
Đặc biệt, đơn vị này thông tin phân khúc nhà cao cấp sẽ có mức giá mới tăng vọt như Spirit of Saigon từ 20.000-25.000 USD/m2 (khoảng 460-570 triệu đồng/m2) và dự án Empire City từ 12.000-14.000 USD/m2 (khoảng 276-322 triệu đồng/m2) nhờ tọa lạc ở vị trí đắc địa.
Ngoài ra khu Đông TP HCM được kỳ vọng tiếp tục là điểm nóng bất động sản trong năm 2021 với nhiều dự án sắp được mở bán có mức giá tăng cao như Grand Manhattan từ 6.500-8.000 USD/m2 (khoảng 149,5-184 triệu đồng) hay Vinhomes Grand Park từ 1.900-2.200 USD/m2 (khoảng 43,7-50,6 triệu đồng).
Theo VNDirect, thị trường bất động sản Việt Nam có chu kỳ 7 năm và bất động sản năm 2021 có thể bước vào cơn sốt đất mới trong bối cảnh vấn đề pháp lý có dấu hiệu tích cực từ việc sửa đổi Luật Xây dựng năm 2020, Luật Đầu tư năm 2020 cùng với kỳ vọng GDP năm 2021 có thể tăng trưởng 7,1%.
Nhiều dự án đáng chú ý tại TP HCM đã được Bộ Xây dựng cập phép từ năm 2020 nhưng bị hoãn sang năm 2021. Tuy nhiên với việc khôi phục các dự án đang chậm tiến độ từ năm 2020 do dịch Covid-19, nguồn cung căn hộ mới năm 2021 tại TP HCM dự báo tăng trưởng 10-15%, đạt 17.000 căn hộ.
Trong khi đó, ở thị trường căn hộ Hà Nội hầu hết do các chủ đầu tư trong nước phát triển, chủ yếu ở phân khúc trung cấp. VNDirect dự báo giá bán năm 2021 tăng trưởng ổn định 3-4%.
Nguồn cung căn hộ mới được kỳ vọng tăng 50-60% trong năm 2021 đạt 23.000 căn. Trong đó chủ yếu là các căn hộ ở phía Tây và phía Đông Hà Nội nhờ nguồn cung ổn định từ các dự án lớn của Vinhomes, Sunshine Empire, Gamuda City, The Matrix One và Lancaster Luminaire....
Việc thị trường suy giảm cùng với giá nhà đất tăng mạnh làm gia tăng lo ngại về bong bóng bất động sản tương tự như năm 2009-2010, điều đã khiến chao đảo và đóng băng thị trường bất động sản cho tới năm 2013. Tuy nhiên, theo VNDirect, vấn đề của năm 2019- 2020 hoàn toàn khác với năm 2009-2010.
Một thập kỷ trước, hàng hóa quá nhiều trong khi lượng người mua hạn chế, từ đó đã dẫn đến lượng hàng tồn kho cao với giá trị lên tới 200.000 tỷ đồng, cùng với giá bán nhà đất cao hơn nhiều so với giá trị thực và một lượng lớn dự án "ma" – tất cả các yếu tố này đã cấu thành nên sự sụp đổ của thị trường.
"Ở thời điểm hiện tại, vấn đề nằm ở việc thiếu thay vì thừa nguồn cung, đồng thời, nhu cầu vẫn đang rất cao cùng với dòng tiền dồi dào đổ vào thị trường bất động sản", báo cáo nêu.