Nguồn tin của Reuters cho biết, Công ty cổ phần VNG (mã ck: VNZ) đang làm việc với Maybank để tiến hành huy động 100 triệu USD trong vòng gọi vốn mới.
Hiện đơn vị vận hành Zalo này cũng đang tiếp cận các quỹ đầu tư nước ngoài cho vòng gọi vốn này. Nguồn vốn huy động được cho mục đích mở rộng hoạt động kinh doanh.
Sau vòng gọi vốn trên, kế hoạch của VNG là niêm yết trên sàn chứng khoán Singapore. Sau vòng gọi vốn trên, kế hoạch của VNG là niêm yết trên sàn chứng khoán Singapore. Một trong những nguồn tin của Reuters cho biết thời điểm niêm yết sớm nhất có thể là vào năm 2024.
Phía Maybank từ chối đưa ra bình luận về thông tin này.
Vòng gọi vốn của VNG diễn ra trong bối cảnh các công ty internet và công nghệ toàn cầu đang phải đối mặt với nhiều thách thức khi nhà đầu tư lo ngại trước tình hình vĩ mô bất ổn, lãi suất tăng và thị trường chứng khoán căng thẳng.
Được thành lập từ năm 2004, VNG là kỳ lân công nghệ đầu tiên của Việt Nam. Công ty có kế hoạch niêm yết trên sàn Nasdaq vào năm 2017 tuy nhiên đến nay vẫn chưa thực hiện được.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VNG hiện đang được giao dịch ở vùng thị giá 792.500 đồng/đơn vị, giá trị vốn hóa là 29.523 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính quý I/2023, doanh thu thuần của VNG đạt 1.852 tỷ đồng, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận khoản lỗ 90 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ ghi tiếp tục ghi nhận khoản lỗ 40,5 tỷ đồng.
Phần lớn nguyên nhân dẫn tới việc VNG vẫn báo lỗ trong quý đầu năm 2023 đến từ việc công ty vẫn chịu áp lực từ chi phí hoạt động như chi phí tài chính tăng 108,9%, lên 7,96 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 4,7%, lên 880,9 tỷ đồng...
Tính đến ngày 31/3, tổng tài sản của VNG ghi nhận ở mức hơn 8.975 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn ghi nhận 2.922,5 tỷ đồng, chiếm 32,6% tổng tài sản.
Tài sản cố định ghi nhận 2.367 tỷ đồng, đầu tư tài chính dài hạn ghi nhận 1.547,5 tỷ đồng, chiếm 17,2% tổng tài sản.
Trong kỳ, tài sản biến động chủ yếu tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn giảm 4,9% so với đầu năm, tương ứng giảm 152,1 tỷ đồng, về 2.922,5 tỷ đồng.
Ngoài ra, tài sản dở dang dài hạn giảm 93,6% so với đầu năm, về 66,3 tỷ đồng; tài sản cố định tăng 97,6%, lên 2.367,3 tỷ đồng.
Về danh sách các khoản đầu tư vào Công ty liên kết, Công ty tiếp tục lỗ 27,5 tỷ đồng trong quý I/2023. Trong đó, chủ yếu lỗ 12,03 tỷ đồng Công ty Funding Asia; lỗ 9,3 tỷ đồng Telio; lỗ 4,89 tỷ đồng Ecotruck; lỗ 1,09 tỷ đồng Rocketeer; và lỗ 0,2 tỷ đồng Dayone.
Trong đó, khoản đầu tư 510,1 tỷ đồng vào Tiki Global đã trích lập toàn bộ dự phòng do lỗ 510,1 tỷ đồng.
Vốn chủ sở hữu của VNG tại cuối tháng 3 là 5.021 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu là 0,78 lần.