Các mảng kinh doanh khác đỡ tăng trưởng cho cơ điện lạnh, các dự án điện - nước trị giá chục ngàn tỷ đồng
Báo cáo thường niên năm 2018 của REE cho thấy lợi nhuận sau thuế năm 2018 đạt 1.784 tỷ đồng, tăng khoảng 30% so với năm 2017. Tuy nhiên, mảng cơ điện lạnh đang có dấu hiệu suy giảm, lợi nhuận sau thuế bắt đầu phân phối sang những trụ cột kinh doanh khác.
Cụ thể, lợi nhuận mảng cơ điện lạnh chỉ đạt 243 tỷ đồng, suy giảm đến hơn 32%. Trong khi các mảng bất động sản, điện, nước lần lượt tăng trưởng kéo lợi nhuận. Mảng điện được ghi nhận tăng trưởng đột phá 75%.
Trong thư gửi đến các cổ đông, bà Nguyễn Thị Mai Thanh - chủ tịch HĐQT của REE thừa nhận rằng: "Mảng điện máy Reetech trải qua một năm khó khăn khi sản lượng tiêu thụ máy lạnh gia dụng và dự án sụt giảm theo tình hình chung của thị trường".
Riêng mảng Dịch vụ căn phòng cho thuê tiếp tục tăng trưởng ổn định với tỷ lệ lấp đầy cao. Tòa nhà e.town Central đã đưa vào hoạt động từ tháng 1 năm 2018, tỷ lệ lấp đầy đạt 94%.
Ngoài các diện tích cho thuê hiện hữu, tòa nhà etown 5 dự kiến được đưa vào khai thác vào Quí 3/2019, đồng thời REE cũng triển khai kế hoạch xây dựng tòa nhà văn phòng etown 6 (bổ sung 40.000 m2 diện tích cho thuê) nhằm đáp ứng nhu cầu mở rộng diện tích thuê của khách hàng.
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh - Chủ tịch HĐQT của REE, đang là cổ đông lớn nắm hơn 7% cổ phần tại doanh nghiệp
Hiện nay, REE xác định có ba trụ cột kinh doanh chính là cơ điện lạnh; phát triển, quản lý bất động sản; cơ sở hạ tầng điện và nước.
Tuy nhiên, nếu tính tổng giá trị góp vốn của REE vào các công ty có liên quan trong ba trụ cột nói trên, chúng ta có thể thấy mảng cơ sở hạ tầng điện và nước đang dẫn đầu tuyệt đối với giá trị đầu tư lên đến hơn 12.000 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn góp vào bốn công ty bất động sản của REE mặc dù xếp thứ hai nhưng chỉ đạt giá trị hơn 1.500 tỷ đồng.
Mảng được xem là cạnh tranh trực tiếp với Asanzo trên thị trường đang được dẫn dắt bởi hai công ty cơ điện lạnh và điện máy do REE nắm đến 99,99% cổ phần, trị giá sở hữu đạt 300 tỉ đồng chia đều cho mỗi công ty, thấp hơn rất nhiều so với hai mảng còn lại.
Hiện REE đang có vốn góp tại 9 dự án thủy điện và phong điện trải dài từ Bắc vào Nam, có 4 dự án đạt giá trị sở hữu trên 1.000 tỉ đồng. Đặc biệt, REE đang sở hữu 24,09% cổ phần tại Nhiệt điện Phả Lại, đây là giá trị sở hữu khủng nhất ghi trong báo cáo, đạt 3.262 tỉ đồng.
Hoạch định chiến lược đa ngành và chiến lược trọn gói cho mảng cơ điện lạnh
REE là một trong hai công ty niêm yết đầu tiên trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM, thuộc câu lạc bộ 30 doanh nghiệp có vốn hóa đứng đầu thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tính đến đầu năm 2019, REE đạt giá trị vốn hóa hơn 3.100 tỷ đồng, tổng tài sản đạt 15.500 tỷ đồng. Quỹ ngoại Platinum Victory Pte. Ltd đang nắm đến 24,9% cổ phần tại REE.
Trong chiến lược sắp tới, đối với mảng cơ điện lạnh, REE chủ trương hợp tác với các nhà thầu xây dựng nhằm đem đến cho khách hàng giải pháp trọn gói EPC (Thiết kế - Mua sắm - Thi công) cho cả công trình, tận dụng lợi thế cạnh tranh từ kinh nghiệm, năng lực quản lý kỹ thuật và mua sắm thi công.
Hai mảng bất động sản và hạ tầng điện - nước được REE vạch chiến lược rõ ràng hơn với những con số rất cụ thể.
Ở mảng bất động sản, REE công bố hai thông tin quan trọng là "tiếp tục tìm kiếm dự án mới để bổ sung trong ba năm tới một diện tích cho thuê 50.000m2" và tái khẳng định việc "đầu tư liên doanh liên kết vào các công ty bất động sản như Công ty Cổ phần Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam (VIID) và Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn (SaigonRes) giúp REE mở rộng hoạt động bất động sản vào mảng khu dân cư và cao ốc căn hộ".
Riêng mảng hạ tầng điện - nước, REE đang sở hữu tổng công suất điện là 709 MW với tổng vốn đầu tư theo phương pháp vốn chủ sở hữu và đồng sở hữu công suất phát nước 450.000m3/ngày tại ba nhà máy nước tại TP.HCM và một nhà máy nước tại Hà Nội.
Chiến lược sắp tới của REE đối với mảng có nhiều giá trị đầu tư nhất được tuyên bố là lâu dài và tập trung vào mô hình quản trị.