Ngày pháp luật

Quyết tâm đột phá vì sự phát triển bền vững của vùng chè xứ Tuyên

Hoàng Bách - Mai Hương

Bằng sự quyết tâm của mình, anh Nguyễn Mạnh Thắng – Chủ nhiệm Hợp tác xã chè Ngân Sơn - Trung Long – đã cùng bà con xã viên từng bước vượt khó, thay đổi thói quen trồng và chế biến chè, mang lại tương lai phát triển bền vững cho một vùng chè xứ Tuyên.

Đổi thay từ sự “không cam lòng”

Trụ sở của Hợp tác xã chè Ngân Sơn - Trung Long (HTX Ngân Sơn - Trung Long) nằm lọt thỏm trong vùng chè của xã Trung Yên, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Trông bề ngoài, căn nhà khiêm tốn không khác nhiều với những ngôi nhà xung quanh nó, nhưng từ đây, những đổi thay cho vùng chè Yên Sơn dần được hình thành.

Kể về những ngày đầu thành lập HTX Ngân Sơn - Trung Long, anh Nguyễn Mạnh Thắng – Chủ nhiệm HTX – cho hay, trước đây, anh và gia đình cũng chỉ đơn thuần trồng chè bán nguyên liệu cho thương lái.

Quyết tâm đột phá vì sự phát triển bền vững của vùng chè xứ Tuyên - Ảnh 1

Nhưng chính trong những tháng ngày đó, anh Thắng luôn trăn trở vì sao chè quê mình chất lượng tốt, được nhiều người dùng riêng lẻ ưa thích, chất lượng sản phẩm chè Thái Nguyên và Tuyên Quang tương đương như nhau mà chè Tuyên Quang lại “không được giá”, đời sống người trồng chè Tuyên Quang bấp bênh hơn, khiến không ít người trồng chè Yên Sơn đã muốn bỏ cây chè dù vô cùng tiếc nuối.

Toàn xã Trung Yên có diện tích chè hơn 210 ha, là loại cây trồng chủ lực gắn với đời sống đa số các gia đình nơi đây. Để giữ vùng chè quê hương, anh Thắng đã đi các vùng lân cận, về Thái Nguyên, xuống tận Hà Nội để tìm hiểu việc trồng chè và thị trường chè.

Anh nhận thấy, chè Tuyên Quang giá thấp một phần vì Tuyên Quang chưa xây dựng được thương hiệu cho cây chè. Tức là, chè Tuyên Quang bán kém không phải do thổ nhưỡng, mà do chính từ yếu tố con người.

“Năm 2013, tôi và một số hộ gia đình cùng nhau tập hợp lại thành một tổ hợp tác để cùng nhau mua vật tư đầu vào và cùng bán sản phẩm đầu ra. Khi đó, sản phẩm chè của tổ hợp tác chủ yếu bán các mối trong tỉnh và một phần bán đi miền xuôi” – anh Thắng kể.

Sau khi mối hàng ổn định, cuối năm 2015, anh Thắng và các thành viên tổ hợp tác tính đến chuyện xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chè Yên Sơn, và vì thế, đầu năm 2016, HTX chè Ngân Sơn - Trung Long ra đời.

“HTX có 8 xã viên và 32 hộ liên kết sản xuất trên hơn 20ha chè. Chúng tôi vừa làm vừa quảng cáo, giới thiệu sản phẩm ra thị trường. Cái khó là chè Thái Nguyên quá nổi tiếng rồi, nên chúng tôi có nỗ lực quảng cáo chè Tuyên Quang cũng vất vả lắm” – anh Thắng cho hay.

Quyết tâm phát triển vùng chè xứ Tuyên

Một trong những yếu tố mà anh Thắng cùng các xã viên HTX Ngân Sơn - Trung Long xác định từ đầu là không thể giữ phương pháp trồng chè cũ để xây dựng thương hiệu chè Tuyên Quang gần như chưa có nhiều dấu ấn trên thị trường chè phía Bắc khá kén khách với thói quen về chè Thái Nguyên đã “ăn sâu bám rễ” trong lòng người tiêu dùng. Vì thế, ngay từ khi thành lập HTX, phương pháp VietGap đã được lựa chọn để phát triển vùng chè gắn với xây dựng thương hiệu.

Những đồi chè VietGap xanh, sạch, đẹp ngút ngàn tầm mắt hôm nay ở Trung Yên được trồng từ quyết tâm và tình yêu quê hương của anh chủ nhiệm HTX trẻ và hàng chục hộ gia đình trồng chè. Với điều kiện khí hậu, đất đai phù hợp cho cây chè phát triển, kết hợp với mô hình tưới tự động và sử dụng chủ yếu phân hữu cơ vi sinh nên sản phẩm chè thu được đạt chất lượng cao. 

“Trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải tuân thủ theo nguyên tắc 4 đúng: đúng thuốc, đúng nồng độ và liều lượng, đúng lúc, đúng cách, ưu tiên sử dụng thuốc có nguồn gốc sinh học đặc biệt là các loại thuốc từ thảo mộc có trong danh mục thuốc được đăng ký sử dụng trên cây chè, sẽ góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững” – ông Đoàn Văn Hạnh, hộ trồng chè thôn Trung Long, vừa chỉ vạt chè VietGap 3 năm tuổi đang độ đẹp vừa kể với chúng tôi về việc trồng chè.

Bên cạnh đó, sau khi được tham gia các lớp tập huấn về sản xuất chè sạch do Sở NN&PTNT tỉnh Tuyên Quang tổ chức, học hỏi tại các mô hình khác thuộc các tỉnh Phú Thọ, Thái Nguyên, Hà Giang..., anh Thắng đã mạnh dạn đầu tư nhà xưởng đảm bảo khâu chế biến đưa ra sản phẩm được đóng gói, hút chân không bao bì đảm bảo an toàn vệ sinh theo tiêu chuẩn VietGap.

Quyết tâm đột phá vì sự phát triển bền vững của vùng chè xứ Tuyên - Ảnh 2

Anh Nguyễn Mạnh Thắng giới thiệu với khách về việc trồng chè theo tiêu chuẩn VietGap đang được áp dụng tại HTX chè Ngân Sơn – Trung Long

Anh cũng tìm kiếm các loại chè chất lượng cao để chuyển đổi dần giống chè trung du không hiệu quả, thay đổi tư duy canh tác đem lại hiệu quả vượt bậc tạo nên thương hiệu chè Ngân Sơn - Trung Long.

Từ khoảng 5,5ha chè VietGap ban đầu, giờ đây, diện tích chè VietGap đang dần mở rộng hơn ở Trung Yên. “Mỗi năm chè VietGap cho năng suất 15 – 16 tấn/ha. Chúng tôi bán ra thị trường được khoảng 200-250 nghìn/kg.

Thoạt đầu người tiêu dùng có so sánh khi thấy giá cao hơn, nhưng thấy chè uống ngon, đảm bảo, người mua đã chào đón sản phẩm chè của chúng tôi” – anh Thắng kể khi cùng chúng tôi thăm những đồi chè mới trong khu vực nguyên liệu của HTX.

Giờ đây, HTX Ngân Sơn Trung - Long là HTX điển hình về sản xuất chè sạch theo tiêu chuẩn VietGap đảm bảo an toàn từ khâu chăm sóc, thu hoạch đến khâu chế biến, đáp ứng đúng và đầy đủ 60 tiêu chí về sản xuất. HTX đã và đang liên kết với các doanh nghiệp, các đơn vị cung ứng vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm chè không chỉ cho HTX mà còn tạo điều kiện cho các hộ nông dân trên địa bàn ổn định đầu ra.

Khẳng định thương hiệu chè sinh học đầu tiên ở Tuyên Quang

Không bằng lòng với thành công ban đầu của việc trồng chè VietGap, trước đòi hỏi của thị trường và vì sự phát triển bền vững của chè Tuyên Quang, anh Thắng lại “dấn thêm” một bước khó nữa, đó là trồng chè sinh học.

“Trước đây, khi vận động bà con chuyển sang trồng chè VietGap và khởi động với chè VietGap khó như thế, nhưng giờ trồng chè sinh học, chúng tôi mới thấm thía khó khăn khi chuyển đổi cách trồng là như thế nào” – anh Thắng nói.

Ở vùng chè lớn như Thái Nguyên, không ít mô hình chè sinh học đã thất bại. Năm 2018, anh Thắng và bà con xã viên HTX trồng thí điểm 3ha chè sinh học. “Chúng tôi mời chuyên gia trồng chè từ Thái Nguyên sang đánh giá về chất đất, thói quen canh tác… Nếu mô hình này thành công, chúng tôi sẽ có chè sạch sản lượng cao – tới 20 tấn/ha/năm, lại đáp ứng đúng nhu cầu tiêu dùng hiện giờ”- anh Thắng cho biết.

Bước đầu, những ha chè sinh học thí điểm đã cho ra mẻ sản phẩm đầu tiên, được các cơ sở kiểm định chất lượng đánh giá cao. Trong khi chờ những tài liệu của các tổ chức kiểm định sản phẩm khẳng định chất lượng chè sinh học, HTX cũng đang tích cực tổ chức tập huấn cho xã viên và các hộ hợp tác cách thức trồng chè hữu cơ, với những yêu cầu nghiêm ngặt phải tuân thủ để đảm bảo sản phẩm theo tiêu chuẩn, đồng thời tổ chức tốt chuỗi sản xuất từ trồng chè, thu hoạch, chế biến, tiêu thụ sản phẩm… 

Vượt qua khó khăn, anh Thắng và HTX Ngân Sơn - Trung Long đang chạm tới mục tiêu trở thành cơ sở đầu tiên ở Tuyên Quang sản xuất chè sinh học. Lý giải về việc không bằng lòng dừng ở thành công của mô hình trồng chè VietGap, từ từ xây dựng thương hiệu chè Tuyên Quang, mà lại tiếp tục “đâm đầu” vào việc khó hơn là trồng chè sinh học, Nguyễn Mạnh Thắng trả lời đơn giản: Chỉ có quyết tâm thôi, quyết tâm đột phá, dám nghĩ dám làm, góp phần phát triển vùng chè và giới thiệu rộng rãi sản phẩm chè Tuyên Quang.

Từ quyết tâm đó, đời sống hàng chục hộ dân vùng chè Trung Yên đã thay đổi, chất lượng và sản phẩm chè Yên Sơn có vị trí trong lòng người tiêu dùng và trên bản đồ chè Việt Nam, chè Ngân Sơn - Trung Long đã đóng góp một chỗ đứng, khẳng định sự phát triển vững chắc của vùng chè xứ Tuyên.

Tin Cùng Chuyên Mục