Nhắc đến các sáng lập viên viên công ty khởi nghiệp, ai cũng nghĩ ngay tới hình tượng những con người đam mê, nhiệt huyết, luôn cố gắng phát triển chính sản phẩm của mình để mong một ngày nào đó nó trở thành kỳ lân hay thậm chí là một Facebook, một Google thứ hai.
Tuy vậy nhưng cũng có rất nhiều nhà sáng lập không đủ đam mê và sự tận tụy, quyết định bán cổ phần sớm mà không thể ngờ rằng đứa con tinh thần của mình tương lai sẽ có giá trị hàng tỷ USD.
1. Ronald Wayne: Bán cổ phần Apple tri giá 140 tỷ USD để lấy 800 USD
Đứng đầu trong danh sách này chắc chắn phải kể đến Ronald Wayne, nhà sáng lập ít ai biết của Apple.
Vào năm 1976, Apple đã được thành lập với nhóm 3 người gồm Steve Jobs, Steve Wozniak và Ronald Wayne. 3 người gặp nhau lần đầu khi còn làm việc chung tại Atari. Ronald Wayne đã ngay lập tức bị thu hút bởi hai đồng sự thiên tài nhưng vô cùng điên rồ của mình. Họ đã cùng nhau thiết kế logo đầu tiên cho Apple, soạn ra bản thỏa thuận với 10% cổ phần dành cho Ronald Wayne.
Tuy nhiên, chỉ sau 12 ngày tham gia, Ronald Wayne đã ngay lập tức bán 10% cổ phần này với giá 800 USD và rời công ty trong thầm lặng.
Trải qua 44 năm, Apple giờ đây đã là ông lớn công nghệ trị giá 1.400 tỷ USD. Dù rằng 10% cổ phần ban đầu của Ronald không thể đạt tới ngưỡng giá trị 140 tỷ USD nhưng chắc chắn là đủ để đưa ông vào top những người giàu có bậc nhất hành tinh.
Dẫu vậy nhưng trong một bài phỏng vấn sau này, Ronald có chia sẻ rằng ông không hề hối hận vì quyết định lúc đó của mình. Ông đã bán số cổ phần đó và có một cuộc sống vui vẻ, được làm những điều mình yêu thích.
2. James Monaghan: Bán 50% cổ phần Domino’s Pizza để mua một chiếc xe cũ
Vào năm 1961, hai anh em trai James và Tom Monaghan đã bỏ ra 500 USD để mua trả góp một cửa hàng bán bánh Pizza, sau đó đổi tên thành DomiNick. Theo thoả thuận, mỗi người giữ một nửa số cổ phần của nhà hàng này.
Tuy nhiên, sau 1 năm vận hành, James Monaghan đã quyết định bán lại 50% cổ phần và lấy tiền đó mua một chiếc xe Volkwagen cũ. Người anh em của ông, Tom Monaghan đã không bỏ lỡ cơ hội này và thâu tóm lại toàn bộ cổ phần, đổi tên cửa hàng lại thành Domino’s Pizza.
38 năm sau đó, Tom đã bán 93% cổ phần của Domino’s Pizza mà mình sở hữu lấy 1 tỷ USD. Và hiện tại, Domino’s Pizza đang có giá trị 1,4 tỷ USD.
3. Chris Hill-Scott bán cổ phần tại SwiftKey để mua một chiếc xe đạp
Trái ngược với thái độ hài lòng của Ronald Wayne, Chris Hill-Scott lại luôn tỏ ra nuối tiếc, tự trách bản thân đã có một quyết định vô cùng sai lầm. Chris Hill-Scott là một trong 3 nhà sáng lập của SwiftKey. Chắc hẳn bạn đã từng nghe đến SwiftKey rồi chứ? Đây là một ứng dụng vô cùng nổi tiếng từng được sử dụng trên hàng triệu smartphone với khả năng dự đoán xem người dùng sẽ muốn gõ kí tự gì tiếp theo để từ đó đưa ra những gợi ý phù hợp.
Chris cùng với hai người bạn của mình là Jon Reynolds và Ben Medlock đã thành lập SwiftKey vào năm 2008. Những ngày đầu khởi sự luôn là những ngày khó khăn nhất và Chris đã không chịu đựng nổi được những áp lực trong công việc, đi kèm với thu nhập thấp. Chỉ sau 2 tháng, anh đã bán cổ phần của mình tại công ty cho một người khác, đổi lấy một chiếc xe đạp.
Chỉ 8 năm sau đó, vào năm 2016, SwiftKey đã được Microsoft mua lại với giá 250 triệu USD. Hai founder còn lại của công ty mỗi người nhận được 50 triệu USD.
Bài học đặt ra:
Hãy đi theo đam mê của mình: Các Founder kể trên đều gặp phải một vấn đề, đó là họ không có đủ sự đam mê đối với công việc mà mình làm để rồi chấp nhận bỏ cuộc quá sớm. Kết quả là họ đã phải bán số cổ phần của mình quá sớm để rồi sau đó nuối tiếc nhìn giá trị của chúng tăng lên từng ngày, từng giờ. Vậy nên khi làm một việc gì đó, hãy chú tâm và dùng hết nhiệt huyết của mình, thành công và tiền bạc sẽ là phần thưởng cho những sự cống hiến này của bạn mà thôi.
Hãy xác định rõ bạn cần gì: Điểm chung của 3 founder ở trên đó là họ đều bán cổ phần của mình với mức giá vô cùng rẻ mạt. Hãy thử đặt bản thân ở vị trí những founder này, và tự đặt cho mình câu hỏi rằng: Liệu bạn muốn một khoản đầu tư có thể sinh lợi hay muốn một khoản tiền nhỏ để mua xe, để tiêu xài? Liệu nhu cầu của việc mua xe, mua những món đồ khác có thực sự cần thiết hay không? Có lẽ nếu đặt ra những câu hỏi như vậy, các nhà sáng lập trên đã có thể tự ngăn mình bán số cổ phần quý giá đó từ những ngày đầu tiên chỉ để phục vụ một vài nhu cầu đơn giản của bản thân hay chăng?
Nếu có cộng sự tốt, hãy biết trân trọng họ: Khi làm việc chung, đôi khi có thể có những bất đồng xảy ra nhưng nếu bạn đã xác định được cộng sự của mình là những người vô cùng giỏi thì đừng dại gì mà rời bỏ họ. Những founder ở trên đều rời bỏ cộng sự của mình quá sớm mà không nhận ra được sự sai lầm của mình.