Apple quyết định thực hiện một trong những thay đổi lớn nhất trong lịch sử công ty, đó là sẽ không công bố doanh số bán hàng của iPhone, iPad, máy tính Mac và các thiết bị phần cứng khác. Quyết định này được đưa ra sau khi báo cáo tài chính của Apple công bố doanh số bán iPhone của Q3/2018 không đạt kỳ vọng.
Đối với một nhà sản xuất phần cứng, doanh số bán hàng là yếu tố quan trọng giúp đánh giá xem nhà sản xuất đó thành công hay thất bại. Doanh số bán hàng tăng cao, cho thấy sản phẩm của nhà sản xuất được thị trường đón nhận, việc kinh doanh đang tiến triển tốt. Doanh số thấp cho thấy nhà sản xuất cần cải tiến sản phẩm, thay đổi chiến lược kinh doanh.
Mặc dù lợi nhuận cũng là một yếu tố quan trọng, nhưng theo đánh giá của các chuyên gia thì việc bán được nhiều sản phẩm, chiếm được thị phần lớn, tăng độ phủ sóng mới là yếu tố quan trọng hơn trên chặng đường phát triển lâu dài.
Đối với Apple, doanh số bán iPhone thậm chí còn là một yếu tố tối quan trọng hơn tất cả. Bởi iPhone là dòng sản phẩm chủ lực của Apple. Chỉ cần con số này sụt giảm nhẹ, chắc chắn cũng sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ công việc kinh doanh của Apple.
Nhưng mọi thứ đang bắt đầu thay đổi.
Apple trốn tránh sự đánh giá của các nhà đầu tư?
Trong buổi họp công bố báo cáo tài chính Q3/2018, giám đốc tài chính Luca Maestri của Apple đã phát biểu: “Doanh số từng thiết bị giờ đây không còn đại diện cho sức mạnh nền tảng chung của doanh nghiệp chúng tôi. Con số này giờ đây không còn mang ý nghĩa như nó từng có trước đây nữa”.
Apple đang muốn nói rằng chiến lược kinh doanh của công ty đã thay đổi. Giá bán trung bình của iPhone đã tăng 28%, nhờ đó mà Apple không cần bán được nhiều iPhone hơn nhưng đạt được doanh thu và lợi nhuận kỷ lục.
Vì vậy mà các ông chuyên gia phân tích và các ông đầu tư đừng nhìn vào doanh số iPhone để đánh giá Apple nữa. Con số này không còn nhiều ý nghĩa, cho dù nó không thay đổi hay thậm chí sụt giảm so với năm ngoái.
Nhưng không, giới phân tích và đầu tư vẫn sẽ dựa vào doanh số iPhone như một tiêu chí hàng đầu để đánh giá. Bằng chứng là sau khi báo cáo tài chính Q3/2018 được công bố, với doanh số iPhone không đạt như kỳ vọng của Phố Wall. Ngay lập tức giá cổ phiếu Apple sụt giảm 7% trong phiên giao dịch ngoài giờ, khiến Apple đối mặt với nguy cơ đánh mất cột mốc giá trị 1.000 tỷ USD.
Vì vậy, cách tốt nhất là không công bố con số này nữa, để các ông chuyên gia phân tích và các ông đầu tư khỏi phải nhìn vào để đánh giá. Chỉ cần nhìn thấy lợi nhuận và doanh thu tăng trưởng vùn vụt là đủ vui rồi.
Tuy nhiên đó không phải là tất cả.
Apple đang chuyển mình từ một nhà sản xuất phần cứng thành một nhà cung cấp dịch vụ
Giám đốc điều hành của quỹ đầu tư Future Wealth, ông Jay Srivatsa nhận định rằng: “Apple đã chuyển mình từ một nhà sản xuất phần cứng thành một nhà cung cấp dịch vụ. Đây chính là thời điểm được xác định trong lịch sử Apple”.
Cũng trong báo cáo tài chính Q3/2018, mảng kinh doanh tăng trưởng mạnh nhất không phải là iPhone hay bất kỳ thiết bị phần cứng nào, mà chính là mảng dịch vụ. Các dịch vụ Apple Music, App Store, iCloud và Apple Care đem về doanh thu kỷ lục 9,55 tỷ USD, mức tăng trưởng 31% so với cùng kỳ năm ngoái.
Apple cũng đầu tư rất mạnh vào các mảng dịch vụ này, để khai thác nguồn lợi nhuận từ những khách hàng đang sở hữu thiết bị của Apple. Các dịch vụ thuê bao của Apple đã có khoảng 50 triệu người dùng hàng tháng, theo báo cáo hồi tháng 5.
Mảng kinh doanh dịch vụ của Apple được đánh giá là có tỷ suất lợi nhuận cao nhất, hơn cả iPhone. Mặc dù Apple không tiết lộ các chi tiết, nhưng giới phân tích nhận định rằng mức tỷ suất lợi nhuận của mảng dịch vụ có thể đạt tới 60%.
Tất nhiên Apple sẽ không thể chuyển toàn bộ mảng kinh doanh cốt lõi thành dịch vụ, bởi các dịch vụ của Apple vẫn phải dựa trên nền tảng phần cứng là iPhone, iPad hay máy tính Mac. Hai mảng kinh doanh này sẽ song hành, tuy nhiên doanh số bán iPhone sẽ không còn là một con số quyết định tất cả nữa.