Theo thông tin từ Bộ Y tế, công ty Nanogen sẽ phối hợp với Học viện Quân y chính thức tuyển tình nguyện viên tham gia vào giai đoạn 1 thử nghiệm vaccine Covid-19 của Việt Nam.
Nanogen hiện có vốn điều lệ 715 tỷ đồng. Năm ngoái, công ty này thực hiện tăng vốn từ mức 650 tỷ đồng thông qua chào bán nhà đầu tư nước ngoài. Với số tiền thu về gần 464 tỷ đồng, định giá Nanogen đạt khoảng 5.100 tỷ đồng (220 triệu USD). Mức định giá này nằm trong số những công ty top đầu ngành dược trên sàn chứng khoán, gần ngang ngửa với Pymepharco 5.600 tỷ đồng.
Toàn bộ 8 nhà đầu tư nước ngoài tại Nanogen đều đến từ Hàn Quốc, trong số này có quỹ STIC Shariah Private Equity Fund III nắm 9,3% vốn cổ phần. Đây là quỹ trực thuộc STIC Investments, công ty đầu tư tương đối lâu năm tại Việt Nam và đã tham gia không ít thương vụ lớn nhỏ.
Theo giới thiệu, STIC Investments cho biết là một trong những công ty vốn tư nhân lớn và giàu kinh nghiệm nhất Hàn Quốc. Công ty được thành lập năm 1999, hiện đang quản lý khối tài sản trị giá 4,5 tỷ USD. STIC rót vốn vào nhiều khu vực trên thế giới như Châu Âu, Trung Đông, Đông Nam Á. Tại Việt Nam, công ty này thành lập văn phòng năm 2008 tại TP HCM.
Chiến lược của STIC là tập trung vào các khoản đầu tư mua lại tăng trưởng vốn trong nhiều lĩnh vực ở các giai đoạn khác nhau. Cơ hội đến từ các công ty cần vốn để tăng trưởng hoặc tái cơ cấu danh mục kinh doanh nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh.
Danh mục công khai thời điểm hiện tại của STIC Investments có ba khoản đầu tư là doanh nghiệp lớn tại Việt Nam, bao gồm: Masan Group, Cammsys Vina và Thủy sản Việt Úc.
Nếu như Masan Group (MSN) nằm trong số các công ty vốn hóa lớn nhất trên thị trường chứng khoán thì hai cái tên còn lại tỏ ra kín tiếng hơn.
Cammsys Vina là doanh nghiệp 100% vốn Hàn Quốc chuyên sản xuất module camera điện thoại, vendor cấp 1 cho Samsung Việt Nam. Công ty có vốn đầu tư hơn 56 triệu USD, công suất cho ra 13 triệu sản phẩm/tháng.
Năm ngoái, Cammsys Vina đạt doanh thu thuần 13.255 tỷ đồng, nằm trong số các công ty cung ứng linh kiện điện tử lớn nhất trong nước. Lợi nhuận ròng thu về 326 tỷ đồng. STIC Investments được cho biết đã đồng ý thỏa thuận đầu tư 25 triệu USD vào Cammsys Vina hồi tháng 7/2018.
Đây là khoản đầu tư tiền IPO (pre-IPO) để chuẩn bị cho IPO Cammsys Vina vào năm 2020. Công ty đặt trụ sở tại Vĩnh Phúc có kế hoạch niêm yết trên Kodaq (sàn chứng khoán Hàn Quốc) vào giữa năm nay thông qua công ty mẹ là Cammsys Global.
STIC Investments cũng đã đầu tư 33 triệu USD vào Tập đoàn Thủy sản Việt Úc để đổi lấy 9,8% cổ phần, tương đương mức định giá công ty này 7.400 tỷ đồng, thậm chí vượt so với giá trị của “vua tôm” Minh Phú cùng thời điểm (6.000 tỷ đồng).
Nguồn thu chính của Thủy sản Việt Úc đến từ tôm giống và tôm thương phẩm, với biên lãi gộp gần 70%, vượt trội so với các đơn vị cùng ngành.
Năm 2019, Thủy sản Việt Úc đạt doanh thu thuần 1.534 tỷ đồng, tăng trưởng 18%; lợi nhuận ròng 492 tỷ đồng, tăng chỉ tăng 3% chủ yếu do biên lãi gộp sụt giảm đáng kể.
Vốn điều lệ hơn 103 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông của Thủy sản Việt Úc chủ yếu là các nhà đầu tư nước ngoài. Lớn nhất trong số này là Viet Uc Singapore nắm 55,59%, Viet Uc Hong Kong nắm 11,39%, Lotus Asia nắm 7,58%...
Thông qua STIC Ventures, STIC Investments đầu từ vào CTCP Tiki, một trong 4 sàn thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam.
Tính đến tháng 6 năm nay, nhóm STIC nắm giữ khoảng 2,8% cổ phần tại Tiki, khoản đầu tư có giá trị 10 triệu USD. Tuy vậy, bản thân Tiki đang lép vế rất nhiều so với hai đối thủ nặng ký và có tiềm lực tài chính mạnh là Shopee và Lazada. Cạnh tranh khốc liệt trong lĩnh vực thương mại điện tử khiến tất cả các sàn đều đang lỗ nặng cho đến thời điểm hiện tại.
Một thực tế là sàn thương mại điện tử số 3 tại Việt Nam đang đốt cạn tiền của các nhà đầu tư và không ngừng huy động thêm. Báo cáo của VNG Corp, nhà đầu tư nội lớn nhất tại Tiki cho thấy việc đã lỗ âm vốn từ năm 2019 và công ty này đã không đầu tư thêm.
Giữa năm nay, tờ Dealstreetasia cho biết Tiki đã huy động thêm được 130 triệu USD từ quỹ tư nhân Northstar Group.
Quay trở lại với STIC Investment, công ty Hàn Quốc cũng đầu tư nắm tỷ trọng đáng kể tại nhiều doanh nghiệp trên sàn chứng khoán. Danh mục bao gồm gần 21% cổ phần tại CTCP Đầu tư Thương mại TNG (TNG), công ty dệt may tỉnh Thái Nguyên có kết quả kinh doanh ấn tượng trong nhiều năm trở lại đây.
STIC cũng sở hữu 10% cổ phần tại CTCP Dịch vụ Hàng không Taseco (AST), đơn vị cũng hưởng lợi lớn từ tăng trưởng ngành hàng không Việt Nam trước khi có sự xuất hiện của Covid-19.
9 tháng đầu năm, Taseco nằm trong số các doanh nghiệp trong chuỗi ngành hàng không ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch. Doanh thu giảm 65% còn gần 300 tỷ đồng, lỗ ròng 29 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi tới 170 tỷ đồng.
Giai đoạn 2010, STIC Investment từng được biết đến với việc đầu tư 10 triệu USD vào Tập đoàn Hoa Sen (HSG), qua đó trở thành đối tác chiến lược.
Gần đây nhất, STIC Ventures đầu tư 1 triệu USD vào Go2Joy - một startup đặt phòng của Việt Nam vào tháng 2/2020.
Bên cạnh đó, STIC Investments cũng là nhà đầu tư từng rót 200 triệu USD vào Grab hồi tháng 8 năm nay. Grab hiện chính là ứng dụng gọi xe, giao đồ ăn lớn nhất Việt Nam và đang có chiến lược đẩy mạnh phát triển thành siêu ứng dụng.
Link bài gốc