Cụ thể là do ký sinh trùng đơn bào với điều kiện thuận lợi phát triển là nhiệt độ nước ấm (25 độ C), độ mặn cao (30‰) kết hợp với các yếu tố như hàu gầy, yếu, sức đề kháng giảm chính là nguyên nhân gây hàu chết với tỷ lệ cao.
Số hàu chết có khối lượng chủ yếu từ 0,2-0,25 kg/con với các biểu hiện hàu gầy, mang chuyển sang màu vàng, phần thịt hàu xuất hiện nốt sần cứng, màng áo có hiện tượng khô, sần và sơ cứng. Mẫu hàu chết đều có dấu hiệu mở vỏ đồng thời vật chất lơ lửng màu vàng bám dày đặc bề ngoài vỏ hàu và dây. Số hàu còn sống trong dây hàu nuôi tập trung vào vị trí cuối dây hàu. Hàu chết chủ yếu ở giai đoạn chuẩn bị thu hoạch, số lượng hàu còn lại phát triển kém, thiệt hại lên tới 5.460 tấn/7.260 tấn hàu (chiếm 75%), khoảng 82 tỷ đồng.
Nhằm giảm thiệt hại và tránh ảnh hưởng, lây lan đến các vùng nuôi thuỷ sản khác, Sở NN&PTNT đề nghị huyện Tiên Yên và các địa phương ven biển có nuôi hàu phải nhanh chóng triển khai các biện pháp sau: Đối với những bè còn hàu sống, hạ độ sâu dây nuôi hàu xuống dưới 2m; san thưa dây nuôi hàu và bè nhằm giảm mật độ nuôi hàu, cần thao tác nhẹ nhàng, hạn chế tối đa gây sốc cho hàu; không vận chuyển hàu từ vùng nước có hàu chết sang vùng nước chưa xuất hiện hàu chết.
Với bè hàu đã chết, chủ hộ nuôi cần thu gom toàn bộ dây hàu, vỏ hàu lên bờ xử lý bằng vôi bột và chôn, tuyệt đối không cắt dây hàu bỏ xuống biển; tạm thời dừng thả nuôi hàu trong 6 tháng để môi trường phục hồi và các tác nhân gây bệnh trong môi trường giảm. Trước khi thả giống mới cần phải kiểm dịch con giống tránh tình trạng hàu bị nhiễm bệnh từ giai đoạn giống.
Chính quyền cũng hướng dẫn và yêu cầu người dân tổ chức thu gom xử lý xác hàu chết và môi trường vùng nuôi; tăng cường công tác quản lý quy hoạch, tránh để tình trạng nuôi tự phát ngoài quy hoạch, không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật.