Tham dự có lãnh đạo UBND tỉnh, Thanh tra tỉnh, lãnh đạo các sở, ban ngành liên quan của tỉnh và huyện Bình Sơn. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng chủ trì buổi đối thoại.
Tại buổi đối thoại, nhân dân phản ảnh nhà máy xi măng gây ô nhiễm nặng, ảnh hưởng đến cuộc sống của 427 hộ dân 2 thôn Tân Hy và thôn Sơn Trà (xã Bình Đông) sống xung quanh. Người dân đề nghị tỉnh cho di dời dân hoặc di dời nhà máy đi nơi khác.
Nhà máy thuộc Công ty Cổ phần xi măng miền Trung, được xây dựng trên diện tích 6 hecta tại Khu kinh tế Dung Quất. Nhà máy có tổng vốn đầu tư gần 200 tỷ đồng, công suất 500 ngàn tấn/năm, bắt đầu vận hành từ giữa năm 2012 và chính thức đưa vào hoạt động hết công suất vào tháng 3/2015.
Tuy nhiên, từ khi hoạt động cho đến nay, nhà máy này liên tục gây ô nhiễm môi trường, khiến cuộc sống của hàng trăm hộ dân xung quanh bị đảo lộn. Theo phản ánh của người dân, do nhà máy xây dựng quá gần khu dân cư nên bụi và tiếng ồn trong quá trình vận hành đã ảnh hưởng đến sinh hoạt của họ. Nhiều lần, hàng chục hộ dân các thôn Sơn Trà và Tân Hy kéo đến vây nhà máy phản ứng, dùng cây chắn ngang cổng ra vào nhà máy này để phản đối. Đã có nhiều đơn thư đề nghị di dời nhà máy ra khỏi khu dân cư hoặc di chuyển dân ra sinh sống ở nơi khác cách xa nhà máy để đảm bảo an toàn.
Trong năm 2016, UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất phối hợp với các sở ngành và địa phương liên quan cử cán bộ tham gia hỗ trợ, giám sát việc thực hiện quan trắc môi truờng tại nhà máy. Đến cuối năm 2016, kết quả quan trắc môi trường với các chỉ số về bụi, chất thải không vượt quá ngưỡng cho phép. Tuy nhiên nhân dân trong vùng không đồng tình với kết quả này và tiếp tục phản ứng.
Đông đảo nhân dân tham dự buổi đối thoại
Lãnh đạo nhà máy cho biết mong muốn được ổn định để sản xuất kinh doanh, nhưng nếu phải di dời nhà máy thì chi phí tốn kém lên đến 722 tỷ đồng. Hiện trong nhà máy còn tồn hơn 2.000 tấn xi măng đã nghiền trong các bồn chứa.
Trả lời tại buổi đối thoại, Chủ tịch Trần Ngọc Căng khẳng định, tỉnh Quảng Ngãi không đặt vấn đề di dời dân. Bởi, để di dời 427 hộ dân thì phải chi phí cả ngàn tỷ đồng, vượt quá khả năng của ngân sách tỉnh. UBND tỉnh hạn cho nhà máy 2 tháng để rút hết 2.000 tấn xi măng đã nghiền tồn trong các bồn chứa và phải hoàn thiện các hệ thống bảo vệ môi trường.
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ thuê đơn vị tư vấn độc lập quan trắc môi trường lần nữa, có sự giám sát của nhân dân. Sau khi có kết quả sẽ công khai cho dân biết, nếu không đạt chuẩn sẽ phải di dời nhà máy. Nếu kết quả quan trắc đảm bảo tiêu chuẩn môi trường thì nhà máy mới được hoạt động trở lại. Trường hợp nhà máy hoạt động trở lại mà vẫn gây ô nhiễm môi trường thì dân có quyền kiện nhà máy ra tòa.