Tiết lộ tuyệt chiêu nuôi “chim khổng lồ”
Đến thăm trang trại đà điểu của gia đình anh Võ Văn Lựu tại xã Quảng Hưng (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) trong ngày hửng nắng, ngồi bên hiên nhà lộng gió nơi miền cát trắng đầy nắng, anh Lựu tâm sự: “An cư trên vùng đất cát làm gì cũng khó, người dân quanh năm vất vả với độc canh cây lúa, đất cằn nên cuộc sống không khá lên được.
Năm 2011, qua tìm hiểu cũng như được bạn bè giới thiệu mô hình nuôi đà điểu còn mới lạ, tôi nhận thấy nuôi đà điểu đem lại hiệu quả cao, phù hợp với điều kiện đất của gia đình nên đã mạnh dạn đầu tư nuôi loại chim này”.
Nghĩ là làm, anh Võ Văn Lựu vay mượn tiền từ anh em, bạn bè đầu tư hơn 500 triệu đồng để làm chuồng trại, anh cũng cất công đến nhiều nơi học hỏi kinh nghiệm nuôi đà điểu và nhập giống “chim khổng lồ” từ tỉnh Quảng Nam đưa về tỉnh Quảng Bình nuôi.
Vợ chồng anh Võ Văn Lựu chăm sóc đàn đà điểu con. Ảnh: Anh Tập.
“Với vùng đất cát ở Quảng Bình, nuôi đà điểu là một lợi thế, bởi đà điều có nguồn gốc từ sa mạc, nó thường xuyên tắm cát giúp làm sạch cơ thể và loại bỏ các loại ký sinh trùng ngoài da. Đà điểu là loài rất thích chạy nên sân nuôi cũng phải rộng, như các chuồng nuôi của tôi đều có chiều dài từ 50 đến 80m”, anh Lựu tiết lộ.
Hiện anh Võ Văn Lựu vừa nuôi đà điểu lấy thịt thương phẩm vừa triển khai trang trại khép kín bao gồm hệ thống chuồng, nhà ấp trứng, nhà nuôi đà điểu con mới nở, kho chứa thức ăn... trong đó, nhà ấp trứng đà điểu được đầu tư bằng hệ thống máy ấp trứng hiện đại.
Đàn đà điểu của anh Võ Văn Lựu được nuôi trong trang trại của gia đình. Anh Lựu chia sẻ rằng, nuôi chim đà điểu ở vùng cát Quảng Bình rất phù hợp, nhưng cũng khó nhân rộng bởi nuôi loài chim khổng lồ này yêu cầu quan trọng là phải có nguồn vốn đầu tư ban đầu rất lớn, quá sức với nhiều nông dân Ảnh: Anh Tập.
Khi đà điểu được 3 tháng tuổi, những con không đảm bảo tiêu chuẩn sinh sản sẽ được chuyển sang nuôi thịt. Nhờ chế độ chăm nuôi tốt, đà điểu của anh Lựu có tốc độ tăng trọng rất cao, sau 12 tháng nuôi có trọng lượng bình quân từ 100 đến 120kg nên thường được gọi là “chim khổng lồ” và một con đà điểu mái đẻ 40 – 50 trứng/năm.
Từ vài chục cá thể đà điểu, đến nay, trang trại của anh Võ Văn Lựu đã có gần 500 con. Với các sản phẩm từ đà điểu, trong năm 2019, gia đình anh Lựu thu về gần 3 tỷ đồng (chưa trừ các chi phí).
Chia sẻ bí quyết nuôi chim khổng lồ
Theo anh Lựu, đà điểu là loài chim dễ nuôi, lớn nhanh, ít dịch bệnh, thức ăn chủ yếu cỏ, ngô, thóc… nhưng để chúng lớn khỏe là cả những tháng ngày vất vả hai vợ chồng.
“Lúc mới nuôi vợ chồng tôi cũng lo lắm, bao nhiêu vốn liếng đổ vào đó cả, may là đà điểu hợp với khí hậu vùng cát nên ít bị dịch bệnh. Sau 3 năm đầu nhiều khó khăn, đến năm 2014, tôi mới bắt đầu có lãi từ đà điểu, giờ có thể khẳng định vợ chồng tôi đã đi đúng hướng”, anh Võ Văn Lựu phấn khởi nói.
Khẳng định với phóng viên, anh Lựu cho rằng, đà điểu là loài chim dễ nuôi, lớn nhanh, ít dịch bệnh. Ảnh: Anh Tập.
Cũng theo anh Lựu, đà điểu nuôi từ 10 đến 12 tháng có thể bán thương phẩm, nuôi 3 tháng có thể bán con giống. Tính tất cả các chi phí thì đà điểu cho thu nhập gấp 5 lần so với nuôi bò và gấp nhiều lần so với nuôi lợn, gà. Thị trường đà điểu cũng dễ tiêu thụ, hiện vợ chồng anh Võ Văn Lựu tiêu thụ thịt đà điểu thương phẩm và con giống chủ yếu tại Hà Nội cùng một số thành phố lớn.
Không chỉ tạo kinh tế bền vững để làm giàu trên mảnh đất quê hương, mô hình nuôi đà điểu của vợ chồng anh Võ Văn Lựu tạo công ăn việc làm thường xuyên cho gần 10 lao động tại địa phương. Những lao động này cùng với vợ chồng anh chăm sóc, nuôi đàn đà điểu với mức lương từ 5 - 6 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, anh Lựu còn chia sẻ kinh nghiệm nuôi đà điểu, hỗ trợ giống đà điểu cho các hộ nông dân trong xã.
Để nuôi đà điểu mang lại lợi nhuận cao là điều không dễ dàng cho những hộ nông dân ít vốn, thiếu thông tin và kỹ thuật nuôi. Ảnh: Anh Tập
Ông Đàm Văn Tứ - Chủ tịch UBND xã Quảng Hưng, cho biết: “Anh Võ Văn Lựu là một nông dân có trang trại đà điểu mang lại thu nhập cao, mô hình của anh tiêu biểu trong việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Bên cạnh đó, anh Lựu còn là người tích cực chia sẻ kinh nghiệm làm giàu, tạo động lực để các hộ nông dân không ngừng phấn đấu đi lên trong cuộc sống”.