Hiểu luật để nhận diện đúng tài sản trí tuệ
Theo quy định pháp luật hiện hành, quyền sở hữu trí tuệ được xác định là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm ba nhóm chính: Quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng.
Ở góc độ thực thi, có thể hiểu để doanh nghiệp tồn tại và phát triển thì nguồn nhân lực luôn luôn phải lao động sáng tạo, tìm ra các phương án để giải quyết khó khăn trong quá trình vận hành. Thành quả từ các giải pháp hay phương án đó được xem là các sáng kiến đổi mới. Các sáng kiến này khi được hữu hình hóa sẽ tạo nên nguồn tài sản trí tuệ của doanh nghiệp, thể hiện ở các sản phẩm như:
Các thiết kế trong lĩnh vực văn học, khoa học, nghệ thuật;
Các thông tin, dữ liệu, công nghệ, phần mềm, các giải pháp k¬ thuật;
Các công thức, danh sách khách hàng, tên công ty;
Tên gọi của các sản phẩm, dịch vụ;
Các tài sản có tính sáng tạo khác...;
Doanh nghiệp cần dựa vào các quy định của pháp luật để nhận diện, phân loại sản phẩm từ các sáng kiến đổi mới đó cho phù hợp với các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ. Càng nhận diện được nhiều tài sản trí tuệ sẽ càng tăng dòng vốn tri thức trong doanh nghiệp. Các đối tượng phổ biến có thể là:
Tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình;
Chương trình máy tính, website;
Nhãn hiệu, logo, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, giải pháp hữu ích, bí mật kinh doanh, tên thương mại;
Giống cây trồng mới;
Sau khi nhận diện được các đối tượng phù hợp cho việc bảo hộ, doanh nghiệp cần thiết phải tiến hành khâu bảo hộ tại các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, để biến các tài sản trí tuệ đó thành một quyền tài sản, thông qua các văn bằng bảo hộ như:
Giấy chứng nhận đăng ký Quyền tác giả/Quyền liên quan (Cục Bản quyền cấp);
Bằng độc quyền/văn bằng bảo hộ nhãn hiệu, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, giải pháp hữu ích (Cục Sở hữu Trí tuệ cấp);
Giấy chứng nhận đăng ký giống cây trồng mới (Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn cấp).
Trong cuốn sách “Pháp lý trong Kinh doanh - Nắm luật chơi để chiến thắng trên thương trường tại Việt Nam, tác giả - Luật sư Nguyễn Văn Lộc cho rằng các tài sản trí tuệ không chỉ giới hạn là dùng hiểu biết pháp lý để bảo vệ, mà người chủ sở hữu cần tìm các phương thức phù hợp để khai thác quyền thương mại của loại tài sản vô hình này.
Xác lập quyền là công cụ pháp lý vững chắc để bảo vệ tài sản trí tuệ
Các đối tượng sở hữu trí tuệ chỉ phát huy tối đa tính thương mại khi được chủ sở hữu sử dụng công cụ pháp lý là đăng ký bảo hộ để xác lập quyền. Tùy thuộc vào đối tượng sở hữu trí tuệ mà có các cơ chế bảo hộ khác nhau. Song cần lưu ý rằng, xác lập quyền cũng chỉ là một khâu mang tính thủ tục, doanh chủ nên sử dụng dịch vụ tư vấn sở hữu trí tuệ của các luật sư chuyên về mảng này để có nhiều thời gian chuyên tâm vào hoạt động kinh doanh. Sở dĩ như vậy là bởi việc theo dõi, theo đuổi các đơn đăng ký bảo hộ các đối tượng sở hữu trí tuệ mất khá nhiều thời gian và cần kiến thức chuyên sâu để giải quyết khi có sự vụ phát sinh đến yêu cầu bảo hộ.
Cần lưu ý rằng, việc đăng ký bảo hộ không đồng nghĩa với việc được cấp văn bằng. Do đó, khi chủ sở hữu được cấp văn bằng nghĩa rằng họ được Nhà nước ghi nhận quyền đối với chính “đứa con tinh thần” và từ khi có “tấm bằng” này, chủ sở hữu sẽ có cơ sở để triển khai việc thương mại hóa hay ngăn cấm bên thứ ba xâm phạm.
Ở góc độ thực tế, ngoài việc dùng văn bằng như một tấm lá chắn pháp lý hữu hiệu để chống lại việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của bên thứ ba thông qua các cơ quan chức năng, thì doanh nghiệp cần chủ động để thiết lập các biện pháp tự bảo vệ, bao gồm:
Thiết lập cơ chế bảo mật thông tin đối với các tài sản có bản chất khó bộc lộ hoặc khó bị người khác phát hiện (các thông tin mật, các bí mật kinh doanh…);
Trì hoãn, hạn chế từ xa việc bộc lộ thông tin đối với các tài sản dễ bị người khác phát hiện nhưng chỉ hiểu biết được khi các thông tin liên quan được công bố (thông tin sáng chế, giải pháp hữu ích…);
Công bố công khai để bảo vệ, thể hiện quyền sử dụng trước của mình trước nguy cơ bị người khác tước đoạt;
Sử dụng các biện pháp công nghệ để chống tước đoạt, sao chéo (phần mềm cảnh báo, tem, khóa, dấu hiệu đặc biệt…);
Kết hợp các biện pháp nêu trên một cách linh hoạt để bảo vệ đa chiều cho tài sản trí tuệ.
Luật sư Đậu Thị Quyên
Khai thác giá trị thông qua việc thương mại hóa
Tài sản trí tuệ tự thân đã mang nhiều giá trị vì nó được kết tinh từ sự sáng tạo và là một phần không thể tách rời của dòng tri thức trong doanh nghiệp. Song, để phát huy tối đa giá trị của loại tài sản này, doanh nghiệp không nên bỏ qua một công cụ pháp lý mà Nhà nước đã cấp cho chủ sở hữu, đó chính là thương mại hóa. Có rất nhiều phương pháp để thương mại hóa tài sản trí tuệ, trong đó có một số cách phổ biến như sau:
Một là, cấp quyền sử dụng (li xăng) cho đơn vị khác. Chủ sở hữu cho phép người khác sử dụng tài sản trí tuệ của mình (có thu phí). Trong quá trình đó, chủ sở hữu vẫn sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ này. Khi không muốn cho người khác sử dụng thì chấm dứt hợp đồng theo thỏa thuận.
Hai là, theo phương thức kinh doanh nhượng quyền thương mại. Chủ sở hữu cấp quyền thương mại cho người khác và thu lại khoản phí nhượng quyền. Tùy theo thỏa thuận mà chủ sở hữu phải hỗ trợ bên nhận chuyển nhượng trong việc sử dụng và phát triển tài sản trí tuệ đã nhượng.
Ba là, chuyển nhượng hoàn toàn cho chủ sở hữu khác. Đây là hình thức chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ, chấm dứt quyền sở hữu khi chuyển giao. Ví dụ điển hình nhất là các hình thức chuyển giao công nghệ trong sản xuất kinh doanh hay mua đứt bán đoạn các tài sản trí tuệ như sáng chế, kiểu dáng, nhãn hiệu, giải pháp hữu ích.
Ngoài ra vẫn có những hình thức kết hợp để khai thác tài sản trí tuệ tùy theo loại tài sản đó, ví dụ như hợp tác thương hiệu. Hoặc nhiều doanh nhân trẻ áp dụng linh hoạt pháp luật bằng việc ủy quyền khai thác thương hiệu thông qua các hợp đồng hợp tác kinh doanh (tuy nhiên vẫn truyền thông là nhượng quyền) để “tránh” tuân thủ theo quy định về nhượng quyền tại Việt Nam.