Hoàn thiện cơ sở pháp lý để quản lý thuế
Kết nối Internet không dây và công nghệ truyền thông thế hệ thứ 3 (3G), thế hệ thứ tư (4G) và tiếp là thế hệ thứ năm (5G) đã và đang làm cho hoạt động giao dịch thương mại toàn cầu trở nên dễ dàng, phong phú, đa dạng hơn lúc nào hết. Khoảng cách giữa người bán (nhà cung cấp) và người mua (người tiêu dùng) hàng hóa, dịch vụ dường như không còn bị giới hạn về không gian địa lý.
Tại Việt Nam, trong những năm gần đây, giao dịch giữa nhà cung cấp bên ngoài lãnh thổ Việt Nam như Facebook, Amazon, Netflix (Mỹ); Grab (Singapore); iFlix (Malaysia); WeTV, iQiYi, Alibaba (Trung Quốc)... với người tiêu dùng Việt Nam và ngược lại qua nền tảng ứng dụng App Store, Google Play Store và web.…cũng ngày càng tăng về quy mô, cường độ và giá trị.
Từ rất sớm, Việt Nam đã có những quy định về chính sách thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp (đối với nhà cung cấp là doanh nghiệp), thuế thu nhập cá nhân (đối với nhà cung cấp là cá nhân) để thu thuế đối với các khoản thu nhập của nhà cung cấp nước ngoài phát sinh trên lãnh thổ Việt Nam.
Quy định chi tiết Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 126, có hiệu lực kể từ ngày 5/12/2020, trong đó đã chi tiết, cụ thể thêm nhiều quy định về quản lý thuế đối với giao dịch thương mại điện tử nói chung và thương mại điện tử xuyên biên giới nói riêng.
Để hướng dẫn cụ thuể hơn các quy định về quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, tại dự thảo thông tư hướng dẫn, Bộ Tài chính dành một chương quy định về quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số do doanh nghiệp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam thực hiện.
Nhà thầu nước ngoài có thể đăng ký thuế qua mạng
Theo dự thảo thông tư hướng dẫn, doanh nghiệp không có cơ sở kinh doanh cố định ở Việt Nam, nhưng có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử ở Việt Nam (nhà cung cấp nước ngoài), phải thực hiện trách nhiệm đăng ký thuế, khai thuế và nộp thuế với cơ quan thuế Việt Nam.
Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nước ngoài khi không hiện hiện ở Việt Nam, Bộ Tài chính dự kiến thiết lập cơ chế đăng ký giao dịch điện tử và đăng ký thuế lần đầu thực hiện thông qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.
Sau khi đăng ký thuế, nhà cung cấp nước ngoài được cấp mã số thuế loại 10 số. Quy định về kê khai, nộp thuế cũng có nhiều phương án để nhà cung cấp nước ngoài lựa chọn, theo hướng có thể trực tiếp thực hiện trực tuyến tại Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế, hoặc ủy quyền cho doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế (đại lý thuế) tại Việt Nam thực hiện.
Nhằm tránh trùng lặp về thuế, không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên, dự thảo thông tư hướng dẫn nhà cung cấp nước ngoài đã tự khai, nộp thuế tại Việt Nam thì thông báo cho tổ chức mua hàng tại Việt Nam biết để không phải khấu trừ, nộp thuế thay cho nhà cung cấp nước ngoài.
Trường hợp nhà cung cấp nước ngoài không thực hiện đăng ký thuế, hoặc có đăng ký nhưng không khai thuế, nộp thuế thì người mua hàng (nếu người mua hàng là tổ chức) hoặc ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (nếu người mua hàng là cá nhân) có trách nhiệm khấu trừ, nộp thuế thay cho nhà cung cấp nước ngoài.
Ngoài ra, để xử lý các vướng mắc cho ngân hàng trong trường hợp lệnh chuyển tiền không ghi rõ nội dung thanh toán, dự thảo thông tư hướng dẫn nếu cá nhân thanh toán tiền mua hàng hóa, dịch vụ cho nhà cung cấp nước ngoài bằng thẻ, hoặc các hình thức khác và không thể thực hiện khấu trừ, nộp thuế thay, ngân hàng thương mại, tổ chức trung gian thanh toán có trách nhiệm theo dõi số tiền chuyển cho các nhà cung cấp ở nước ngoài và định kỳ ngày 10 hàng tháng gửi thông tin về Tổng cục thuế.
Đây cũng là trách nhiệm của ngân hàng thương mại, tổ chức trung gian thanh toán được quy định tại Nghị định số 126.
Thông tư cũng dự kiến hướng dẫn việc đăng ký, kê khai, nộp thuế của nhà cung cấp nước ngoài được thực hiện kể từ thời điểm hệ thống đăng ký, kê khai, nộp thuế của nhà cung cấp nước ngoài trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế đi vào hoạt động.
Trường hợp sau ngày thông tư này có hiệu lực, nhưng hệ thống đăng ký, kê khai, nộp thuế của nhà cung cấp nước ngoài chưa được kích hoạt, nhà cung cấp nước ngoài tự theo dõi doanh thu phát sinh tại Việt Nam.
Khi hệ thống đăng ký, kê khai, nộp thuế của nhà cung cấp nước ngoài trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế đi vào hoạt động, nhà cung cấp nước ngoài thực hiện đăng ký thuế, khai thuế và nộp thuế, bao gồm cả số thuế đã phát sinh kể từ ngày thông tư này có hiệu lực.
Sau quý đầu tiên kể từ thời điểm hệ thống đi vào hoạt động, nhà cung cấp nước ngoài không thực hiện kê khai thuế, hoặc có kê khai nhưng không nộp đủ thuế sẽ bị tính tiền chậm nộp và xử lý vi phạm hành chính về thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 125.
Link bài gốc