Ngày pháp luật

Quan điểm khác nhau về kiểm toán dự án PPP

Thanh Thanh - Minh Hữu

Theo Kiểm toán Nhà nước, dự án đầu tư theo phương thức đối tác công - tư là đầu tư công cần được kiểm toán toàn bộ, trong khi Bộ Kế hoạch Đầu tư cho rằng chỉ kiểm toán đối với phần vốn của Nhà nước.

Cần tạo môi trường đầu tư thuận lợi

Dự thảo mới nhất Luật đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) công bố, trong đó quy định Kiểm toán Nhà nước (KTNN) thực hiện kiểm toán ở giai đoạn chuẩn bị dự án (DA), kết quả lựa chọn nhà đầu tư đối với DA PPP có sử dụng tài chính công, tài sản công.

Báo cáo của KTNN cho biết, chỉ riêng kiểm toán 84 DA BOT giao thông, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 4.684,4 tỷ đồng, bằng 3,4% tổng giá trị được kiểm toán, trong đó nhiều DA có tỷ lệ xử lý tài chính lớn từ 11% đến 13% giá trị được kiểm toán.

Đồng thời, KTNN đã kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn so với phương án ban đầu của 81 DA là 300 năm, trong đó có DA giảm thời gian nhiều nhất là 13 năm 1 tháng 12 ngày.

Đối với kiểm toán 50 DA BT, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 9.102 tỷ đồng, bằng 13,78% tổng giá trị được kiểm toán, trong đó có những DA tỷ lệ kiến nghị xử lý tài chính lớn từ 27% đến 29% giá trị được kiểm toán.

Quan điểm khác nhau về kiểm toán dự án PPP - Ảnh 1
KTNN cho rằng bản chất dự án PPP là dự án đầu tư công. Ảnh minh họa

Còn giai đoạn sau khi đã ký kết hợp đồng, KTNN sẽ chỉ thực hiện kiểm toán đối với việc sử dụng tài chính công, tài sản công trong DA PPP gồm: Kiểm toán tài chính và kiểm toán tuân thủ đối với việc sử dụng vốn nhà nước bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư, hỗ trợ xây dựng công trình tạm (nếu có), hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng khi tách thành một DA thành phần, sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện DA BT...

Ngoài ra, KTNN kiểm toán để đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trên cơ sở các chỉ số đánh giá chất lượng dịch vụ đối với DA PPP có sử dụng tài chính, tài sản công (Điều 86).

Tại Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của Đại biểu Quốc hội về DA Luật PPP tại Kỳ họp thứ 8, Bộ KH&ĐT cho biết có 2 nhóm quan điểm: Thống nhất quan điểm Chính phủ tại Dự thảo về việc Luật KTNN chỉ kiểm toán tài sản công, tài chính công theo quy định của Luật KTNN; một số đại biểu Quốc hội cho rằng DA PPP bản chất là DA đầu tư công nên KTNN phải kiểm toán toàn bộ DA PPP, kể các phần đầu tư từ nguồn vốn tư nhân.

Lý giải về quy định đưa ra tại Dự thảo, Bộ KH&ĐT cho rằng, Hiến pháp và pháp luật về KTNN xác định phạm vi kiểm toán là các nội dung tài chính công, tài sản công, trong trường hợp này là phần vốn nhà nước thực hiện trong DA PPP: “Để tạo môi trường đầu tư thuận lợi và có thể so sánh tương đối với các lĩnh vực đầu tư khác, phần vốn của khu vực tư nhân bỏ ra để đầu tư vào DA PPP cần phải được xác định là không thuộc đối tượng của KTNN (tương tự các hoạt động bỏ vốn đầu tư kinh doanh trên thị trường)…” - Bộ KH&ĐT nhấn mạnh.

Bộ KH&ĐT cũng cho rằng, việc kiểm soát về mặt chi phí của dịch vụ mà DA cung cấp đã được thực hiện qua các bước của quy trình thực hiện DA, từ việc xác định tổng mức đầu tư đến đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

“Thực chất, đấu thầu là khâu quan trọng phát huy cơ chế cạnh tranh của thị trường để xác định nhà đầu tư có DA mang lại hiệu quả cao nhất. Như vậy, trong phương thức PPP, tương tự như các lĩnh vực kinh doanh khác, nhà đầu tư được tự do phát huy khả năng về kỹ thuật quản lý của mình để hiện thực hóa để xuất của mình, không áp dụng kiểm toán tài chính và kiểm toán tuân thủ đối với phần vốn đầu tư mà khối tư nhân bỏ ra. Khâu còn lại là kiểm soát dịch vụ mà nhà đầu tư cung cấp theo DA, đây chính là mục đích quan trọng nhất của việc đầu tư PPP” - Bộ KH&ĐT nêu quan điểm.

Bản chất PPP là dự án đầu tư công?

Trước đó, tại Hội thảo “DA PPP và vai trò của KTNN” do KTNN tổ chức mới đây, Phó Tổng KTNN - GS, TS. Đoàn Xuân Tiên cho biết, thông qua kiểm toán các DA PPP nói chung và các DA BOT, BT nói riêng, KTNN  đã  chỉ ra nhiều bất cập và kẽ hở về cơ chế, chính sách.

Ông Tiên cũng bày tỏ lo ngại khi dự thảo Luật PPP chưa coi DA PPP là DA đầu tư công, các tài sản hình thành từ DA PPP không phải là tài sản công mà chỉ coi phần “Vốn nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng” và “Vốn nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình phụ trợ, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư” là tài sản công và KTNN chỉ kiểm toán phần này thay vì coi cả DA PPP là DA đầu tư công, các tài sản hình thành từ DA PPP đều là tài sản công và các hoạt động liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài sản công là đối tượng kiểm toán của KTNN theo đúng tinh thần của Hiến pháp và quy định của Luật KTNN.

Phó Tổng KTNN cũng nhấn mạnh, thực chất PPP là phương thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp đồng giữa Nhà nước và nhà đầu tư để xây dựng, cải tạo, vận hành, kinh doanh, quản lý công trình hạ tầng, cung cấp dịch vụ công. Vì vậy, dù DA do tư nhân bỏ 100% vốn đầu tư thì công trình, DA sau khi hoàn thành vẫn là tài sản công, mà đã là tài sản công thì thuộc đối tượng kiểm toán của KTNN. 

Thực tế kinh nghiệm quốc tế cho thấy, hầu hết các cơ quan kiểm toán tối cao trên thế giới đều tiến hành kiểm toán các DA PPP như: Mỹ, Canada, Liên minh Châu Âu, Ấn Độ, Nhật, Hàn Quốc… nhằm tăng cường trách nhiệm giải trình, tính minh bạch đối với các bên tham gia.

Theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), để xử lý tận gốc vấn đề thất thoát trong các DA PPP, cần có một giải pháp tổng thể, vĩ mô. Ông đề nghị Luật PPP cần quy định hành lang pháp lý về hoạt động nhà nước trong đầu tư theo phương thức PPP, trong đó nhấn mạnh, phát huy vai trò của KTNN. 

“Để tránh việc “sân sau”, lợi ích nhóm trong thẩm định, phê duyệt, triển khai các DA PPP, cần có thêm vai trò KTNN để đánh giá, xác nhận, kết luận… tách bạch rõ ràng, cụ thể vốn của Nhà nước và vốn của nhà đầu tư, cũng như kiến nghị đối với việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công…” - ông Phương đề nghị. 

* Bà Đỗ Thị Lan, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh:

Bày tỏ quan điểm về việc KTNN có được kiểm toán toàn diện DA PPP không, bà Lan cho rằng, về bản chất các DA PPP là hoạt động đầu tư nhà nước để thu hút nguồn lực đầu tư, PPP là DA huy động vốn tư nhân đầu tư công trình công chứ không phải đầu tư công trình tư nhân; nhiều công trình xây dựng trên đất công. Nhà nước thực hiện đầu tư qua hợp đồng PPP với nhà đầu tư, Nhà nước không trực tiếp trả kinh phí cho nhà đầu tư, thay vào đó Nhà nước cho phép nhà đầu tư, doanh nghiệp (DN) DA được thu phí với mức thu và thời hạn thu do Nhà nước quy định hoặc trả bằng giá trị quyền sử dụng đất. Do đó, nếu không kiểm toán chi phí đầu tư, không kiểm toán toàn diện DA PPP thì không thể xác định được mức thu phí, thời gian thu phí, không thể xác định chính xác giá đất được sử dụng để thanh toán cho nhà đầu tư… Tô My

* Ông Lê Đức Thọ, Thành viên HĐQT, Phó TGĐ Tập đoàn CIENCO4: 

Việc kiểm toán toàn bộ DA là có cơ sở, hợp lý. Tuy nhiên, kiểm toán trên góc độ nào thì nên cân nhắc. Ví dụ, về vốn nhà nước, nên kiểm toán các nội dung như hiện nay, còn với phần vốn BOT chỉ nên kiểm toán về mặt thủ tục chung như quá trình đấu thầu, các vấn đề liên quan đến tài chính… Còn việc kiểm toán chi tiết quá trình xây lắp, thi công thì không cần thiết, vì những nội dung này nhà đầu tư bỏ tiền ra người ta phải có trách nhiệm làm tốt. Các cơ quan nhà nước có thể có các quy định quản lý nhà đầu tư như chất lượng mặt đường, an toàn giao thông trong quá trình khai thác…

Ngoài ra, một DA hiện nay có quá nhiều đoàn thanh tra, kiểm toán, chồng chéo. Có những DA xây dựng cả 10 năm trước, nay vẫn thanh tra, kiểm toán, gây khó khăn cho DN trong khâu tìm lại hồ sơ. Hơn nữa, nhiều đoàn kiểm toán, thanh tra lại áp dụng quy định mới để đánh giá, nhận xét về DA đã làm trước đó từ lâu, với khung pháp lý cũ là chưa hợp lý, chưa khách quan. Do vậy, Luật PPP nên có quy định rõ ràng về thời gian và số lần thanh tra, kiểm toán…

* Phó TGĐ Tập đoàn Đèo Cả, ông Vũ Minh Hoàng:

Với DN như Đèo Cả, việc kiểm toán toàn bộ DA PPP không có gì đáng ngại, mà là việc cần thiết, tốt cho DN. Bởi qua kiểm toán, nếu có sai sót, DN sẽ phát hiện ra và kịp thời sửa đổi. Với DN, việc kiểm toán toàn bộ DA PPP hay chỉ kiểm toán phần vốn, tài sản nhà nước không phải là vấn đề quan trọng, quan trọng là cách kiểm toán thế nào cho đúng, cho đủ. Theo vị này, nhiều DA PPP, ngoài KTNN, còn có Thanh tra Chính phủ, thanh tra Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Xây dựng, nhiều đoàn kiểm tra khác...

Ngoài ra, nguồn vốn đầu tư BOT được định nghĩa là “nguồn vốn nhà nước ngoài ngân sách”. “Do đó, phạm vi của KTNN đến đâu tôi không muốn bàn đến vì đã có quy định, người ta kiểm toán nguồn vốn đầu tư là có lý do”, lãnh đạo Đèo Cả nói và cho biết, chỉ có điều số lượng đoàn thanh tra, kiểm toán và các đơn vị có liên quan quá nhiều. Do đó, một dự án PPP nên quy định số lần và thời hạn thanh tra, kiểm toán. Đó mới là vấn đề DN quan tâm…