Ngày pháp luật

Quan điểm của Ngân hàng Nhà nước như thế nào trước dự báo tăng lãi suất điều hành?

Trúc Phương

Trước xu hướng tăng lãi suất trên toàn thế giới, Ngân hàng Nhà nước cho biết, tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh...

Nhiều ngân hàng trung ương các nước tăng lãi suất

Mới đây, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã quyết định tăng lãi suất cơ bản 0,75 điểm % - mức tăng mạnh nhất trong gần 30 năm. Tiếp đó là lần tăng lãi suất thứ năm liên tiếp của Ngân hàng trung ương Anh và lần tăng lãi suất lần đầu tiên trong 15 năm tại Thụy Sỹ.

Quan điểm của Ngân hàng Nhà nước như thế nào trước dự báo tăng lãi suất điều hành? - Ảnh 1

Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cũng xác nhận sẽ dừng chương trình mua trái phiếu đã áp dụng gần một thập kỷ qua từ ngày 1/7, đồng thời đánh tín hiệu sẽ thực hiện nhiều đợt tăng lãi suất từ tháng 7 trong bối cảnh lạm phát tăng kéo dài. Tương tự, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Haruhiko Kuroda cho biết BoJ có thể sẽ dừng chính sách tiền tệ siêu lỏng một cách thích hợp trong khi vẫn duy trì sự ổn định của của thị trường tài chính.

Liên tiếp những động thái của các ngân hàng hàng trung ương lớn đã làm chao đảo thị trường chứng khoán khi các nhà đầu tư lo ngại rằng dù chính sách tăng lãi suất là cần thiết, song biện pháp này có thể kìm hãm tăng trưởng kinh tế nếu ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ quá mạnh tay.

Trong bối cảnh lạm phát và lãi suất đang có xu hướng tăng trên toàn cầu, giới phân tích cũng bắt đầu nhắc nhiều hơn về khả năng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng lãi suất điều hành trong thời gian tới.

Theo VnDirect, với việc FED đẩy nhanh lộ trình tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, dư địa để NHNN duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng đang ngày một thu hẹp. Đối với lãi suất điều hành, nếu có bất kỳ đợt tăng nào trong năm nay thì khả năng cao sẽ diễn ra vào quý 4/2022 và mức tăng (nếu có) sẽ hạn chế, khoảng 0,25-0,5 điểm %.

Nhóm phân tích cho rằng, NHNN sẽ nỗ lực duy trì chính sách tiền tệ "phù hợp", chưa vội thắt chặt chính sách ngay để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và ổn định thị trường vì (1) Mặc dù áp lực lạm phát trong nước dự kiến sẽ gia tăng trong những tháng tới, nhưng chỉ số giá tiêu dùng bình quân nửa đầu năm 2022 dự báo ở mức 2,5% so với cùng kỳ, vẫn thấp hơn nhiều so với mục tiêu của Chính phủ là 4% (2) Nhu cầu trong nước vẫn yếu và chưa phục hồi hoàn toàn về mức trước đại dịch và (3) NHNN vẫn ưu tiên mục tiêu duy trì lãi suất cho vay thấp để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi.

Đồng quan điểm, Chứng khoán ACBS cho rằng NHNN có thể sẽ điều chỉnh tăng lãi suất tối đa 0,5 điểm %. Dù vậy, nhóm phân tích vẫn tiếp tục giữ quan điểm việc điều hành chính sách tiền tệ của NHNN trong năm 2022 sẽ không bị tác động lớn.

Mới đây, Chứng Khoán Maybank Kim Eng (MBKE) cũng đưa ra quan điểm rằng NHNN sẽ thắt chặt tiền tệ thông qua tăng lãi suất 50 điểm cơ bản để duy trì tăng trưởng vừa phải, bất chấp rủi ro lạm phát tăng và Fed quyết liệt hơn. Tuy nhiên mọi việc thắt chặt (nếu có) sẽ chỉ được thực hiện vào giai đoạn cuối năm.

Mức tăng 50 điểm cơ bản sẽ đưa lãi suất tái cấp vốn lên 4,5%, mức vẫn còn phù hợp theo các tiêu chuẩn lịch sử, khi so với tỷ lệ này trước khi xảy ra đại dịch cho đến tháng 2/2020 là 6%.

Ngân hàng Nhà nước đang chịu áp lực tăng lãi suất điều hành

Trước đó, Chứng khoán Bảo Việt cũng dự đoán áp lực lạm phát khi giá nhiều loại nguyên vật liệu đã đang có xu hướng tăng mạnh cùng triển vọng mở cửa lại toàn bộ nền kinh tế có thể sẽ khiến NHNN phải tăng lãi suất điều hành trong năm 2022. Tuy nhiên, NHNN nhiều khả năng sẽ tăng lãi suất điều hành ở mức mềm mỏng hơn để vẫn có thể hỗ trợ cho sự hồi phục của nền kinh tế, trước những rủi ro tiềm ẩn từ đại dịch Covid-19.

Trong khi lạm phát hiện tại vẫn ở dưới mục tiêu 4% của NHNN, các chuyên gia HSBC dự báo tình trạng giá năng lượng cao và kéo dài sẽ tiếp tục đẩy giá cả chung đi lên, khiến lạm phát có lúc vượt trần 4% trong nửa sau năm 2022. Tuy nhiên, tỷ lệ này chỉ mang tính tạm thời.

''Với tình hình này, NHNN có thể phải tăng lãi suất thêm 0,5 điểm % trong quý III/2022, trước khi tăng lãi suất ba lần (mỗi lần 0,25 điểm %) trong năm 2023'', Bộ phận nghiên cứu toàn cầu HSBC nhận định.

Tại buổi họp báo mới đây, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành mặc dù chịu áp lực từ xu hướng nới lỏng tiền tệ, tăng lãi suất trên toàn cầu, nhằm tạo điều kiện để TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất - kinh doanh.

Ông Tú cho biết, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, đồng thời sẵn sàng cung ứng đủ nguồn vốn cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế.

Cụ thể, NHNN sẽ điều hành nghiệp vụ thị trường mở chủ động, linh hoạt nhằm đảm bảo thanh khoản cho các tổ chức tín dụng (TCTD), góp phần ổn định thị trường tiền tệ.

Trước đó, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng thừa nhận điều hành tiền tệ "cũng đang chịu áp lực" trong bối cảnh lãi suất quốc tế tăng cao như vậy, nhưng chúng ta phải ổn định, thậm chí giảm.

"Chúng tôi phải cân đối hài hoà các giải pháp, công cụ, kể cả giải pháp điều hành tín dụng, tỷ giá... để có lợi nhất cho ổn định vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân nhưng không chủ quan lạm phát", bà Hồng nói.

Tin Cùng Chuyên Mục