Hôm qua, giá dầu ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) hợp đồng kỳ hạn giao tháng 5/2020 trên sàn giao dịch NYMEX (New York, Mỹ) chốt ở mức -37,63 USD/thùng. Mức giá thấp này chưa từng có trong lịch sử. Ngay lập tức, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã có những phân tích về thị trường dầu mỏ thế giới, đồng thời dự báo thiệt hại khi dầu tiếp tục dò đáy.
Giá dầu âm là chuyện cục bộ ở nước Mỹ
Theo đó, PVN cho biết, ngày 21/4 là ngày chốt hợp đồng kỳ hạn giao tháng 5/2020. Vào ngày này, người mua hợp đồng này phải đưa ra quyết định có nhận lô dầu này hay không. Nếu nhận thì họ phải đóng hợp đồng và sẽ nhận lô dầu vật chất.
Tuy nhiên, với tình trạng nhu cầu dầu thô sụt giảm mạnh trên thế giới do dịch Covid 19 hiện nay, dầu thô vẫn được sản xuất trong khi các kho chưa đầy và thuê kho để chứa là không thể hoặc với chi phí rất cao. Do vậy, một số người sở hữu hợp đồng này đã quyết định “bán tháo” với mọi giá tại 2 giây cuối cùng của phiên giao dịch và giá khớp tại 2 giây cuối cùng này được coi là giá chốt phiên.
Thực chất giá (-) 37,63 USD/thùng là mức giá được giao dịch giữa các môi giới trên sàn giao dịch chứ không phải là giá giao dịch giữa nhà sản xuất dầu thô và người sử dụng cuối cùng. Số lượng dầu giao dịch ở mức (-) 37,63 USD/thùng này rất thấp, ghi nhận khối lượng khoảng 600.000 thùng.
Do vậy việc giảm giá WTI mang tính cục bộ tại Mỹ (do sức chứa và cung cầu) có ảnh hưởng mạnh tới tâm lý trên thị trường. Yếu tố này sẽ chỉ ảnh hưởng trong ngắn hạn. Theo dự báo các chuyên gia phân tích, giá dầu thô giảm chỉ trong ngắn hạn và sẽ đi lên trong tháng 6 hoặc tháng 7/2020, để kết thúc năm 2020 ở mức 40 USD/thùng và cuối 2021 có thể đạt lại mức khoảng 60 USD/thùng.
Giá cứ giảm 1 USD, doanh thu công ty khai thác mất 2.200 tỷ đồng
Công thức giá bán dầu Việt Nam dựa trên trung bình giá tháng giao dầu của dầu Dated Brent do Platts định giá. Vì vậy, doanh thu của PVN cũng ảnh hưởng bởi dao động của giá dầu Brent do tâm lý chung của thị trường khi giá dầu WTI giảm sâu kỷ lục.
Theo bảng giá của Platts, giá dầu Brent ngày 20/4/2020 là 19,1 USD/thùng, giảm 1 USD/thùng so với giá ngày 17/4. Trung bình từ đầu tháng 4, giá dầu Dated Brent ước đạt khoảng 20,5 USD/thùng.
Việc giảm giá dầu trong suốt thời gian từ đầu năm 2020 đến nay đã ảnh hưởng lớn đến doanh thu, hiệu quả của PVN và các đơn vị thành viên trong cả 5 lĩnh vực kinh doanh chính của PVN ở mức độ khác nhau.
Đối với lĩnh vực khai thác dầu khí, giá dầu cứ giảm 1 USD/thùng thì doanh thu sẽ giảm khoảng 2.200 tỷ đồng/năm. So với kế hoạch 60 USD/thùng, nếu giá dầu tiếp tục duy trì ở mức 30 USD, doanh thu sẽ giảm khoảng 55.000 tỷ đồng/năm, kéo theo mức giảm nộp ngân sách toàn Tập đoàn khoảng 18.600 tỷ đồng/năm.
Hoạt động sản xuất và kinh doanh xăng dầu cũng chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh Covid-19 và giá dầu xuống thấp khi nhu cầu vận tải, lưu thông sụt giảm. Các NMLD bị lỗ do tồn trữ, chênh lệch giá sản phẩm thấp (có lúc giá xăng thấp hơn giá dầu), nguy cơ dừng hoạt động do tồn kho cao.
Về lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật dầu khí cũng gặp khó tương tự khi các chủ đầu tư, nhà thầu có xu hướng cắt giảm và tối ưu hóa chi phí sản xuất.