Ông Richard Baldwin - Giáo sư kinh tế quốc tế tại Viện nghiên cứu Quốc tế và Phát triển Geneva gợi ý các nhà hoạch định chính sách hãy nghĩ về “phương thuốc kinh tế” cho khủng hoảng Covid-19.
Ông dẫn chứng một tình huống như thế này. Khi một bóng đèn trên dây đèn Giáng sinh bị hỏng, thì toàn bộ dây đèn sẽ không thể sáng nữa. Trong giai đoạn Đại khủng hoảng những năm 1930, cách sửa chúng là kiểm tra từng bóng đèn một (và thậm chí là có 100 cái). Nhưng với tình trạng mà giá bóng đèn thì cao còn nhân công thì rẻ, thì việc chấp nhận không thể thắp sáng cây thông là điều hiển nhiên.
Nhưng bây giờ thì khác. Người ta có một phương án tuy tốn kém hơn nhưng nhanh chóng hơn, đó là thay toàn bộ bóng đèn. Bởi vì hàng hoá rẻ, lao động đáng giá và Giáng sinh thì ngắn.
Theo đó, ông cho rằng, các chính phủ nên nhìn nhận cuộc khủng hoảng kinh tế do Covid-19 theo cách tương tự. Đó là chọn các giải pháp nhanh chóng để giữ cho nền kinh tế ổn định, và đừng lo lắng quá nhiều về chi phí. Sau tất cả thì con người mới chính là điều quan trọng nhất, tiền bạc không đáng là bao, và cuộc khủng hoảng này chỉ là nhất thời.
Cuộc khủng hoảng kinh tế khác biệt nhất từ trước đến nay
Thứ nhất, nó đã cùng lúc đánh gục nhóm các quốc gia G7 và Trung Quốc. Không giống như những cuộc khủng hoảng gần đây, khủng hoảng kinh tế từ Covid-19 không khởi phát từ một, hai nước rồi sau đó lan sang các nước khác. Cú sốc y tế, được đo bằng số ca nhiễm mới, bắt đầu từ Trung Quốc vào cuối 2019, nhưng nó thực sự là vấn đề lớn khi các ca nhiễm đầu tiên xuất hiện ở vài quốc gia G7. Và tính đến cuối tháng 1/2020, mỗi nước G7 đều có ít nhất 1 ca mắc Covid-19.
Thứ hai, các cuộc khủng hoảng kinh tế được nghiên cứu nhiều nhất thường xuất phát từ chính các khía cạnh kinh tế như ngân hàng, tỷ giá... Tuy nhiên cuộc khủng hoảng này thì không như vậy: khủng hoảng kinh tế nhưng bắt nguồn từ vấn đề y tế.
Các quốc gia G7 (từ trái sang): Canada, Đức, Mỹ, Ý, Pháp, Nhật Bản và Anh
Ba loại cú sốc kinh tế
Để tổ chức lại suy nghĩ về việc nên làm gì, chúng ta cần đơn giản hóa để làm sáng tỏ khi nói đến bản chất của những cú sốc kinh tế mà COVID-19 gây ra.
Đầu tiên, căn bệnh này đánh vào đầu ra bằng cách khiến người lao động phải nằm trên giường bệnh. Điều này giống như việc thất nghiệp tạm thời. Ở Mỹ và một số nước khác, điều này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập, khi mà một số công nhân không được trả lương khi họ nghỉ bệnh. Một số khác ở trong nền kinh tế làm việc tự do (gig economy), họ sẽ không được trả lương nếu như họ không làm việc.
Thứ hai là các biện pháp ngăn chặn liên quan đến sức khỏe cộng đồng nhằm hạn chế sự phát triển dịch tễ học của căn bệnh, như đóng cửa các nhà máy và văn phòng, cấm đi lại, cách ly và các biện pháp tương tự.
Thứ ba là cú sốc kì vọng. Giống như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 - 2009, cuộc khủng hoảng Covid-19 đặt người tiêu dùng và các công ty trên toàn thế giới vào thế bị động, chỉ có thể chờ đợi và quan sát. Điều này có thể thấy rõ nhất ở sự sụt giảm doanh thu đáng kể trong dịch vụ du lịch và khách sạn. Các chỉ số hàng đầu như chỉ số quản lý mua hàng (PMI) cũng đều giảm mạnh.
Ba loại cú sốc này sẽ đánh vào đâu của nền kinh tế?
Khủng hoảng COVID-19 đã đánh vào cỗ máy kinh tế của chúng ta như thế nào trên nhiều phương diện cùng một lúc
Đây là biểu đồ của dòng tiền tròn được sử dụng rộng rãi trong các sách giáo khoa về kinh tế. Ở dạng đơn giản, các hộ gia đình sở hữu vốn và lao động, và bán chúng cho các doanh nghiệp để họ tạo ra những thứ phục vụ cho đời sống. Các hộ gia đình sẽ mua chúng bằng tiền mà các doanh nghiệp trả lương, từ đó tạo thành một vòng tròn khép kín và giữ cho nền kinh tế hoạt động ổn định.
Điểm mấu chốt là nền kinh tế chỉ tiếp tục hoạt động khi mà dòng tiền vận hành theo vòng tròn đó. Nói một cách đơn giản, sự gián đoạn dòng chảy, dù ở bất cứ đâu cũng sẽ làm chậm cả quá trình.
Các dấu sao đỏ đánh dấu những điểm mà tại đó ba loại cú sốc có thể làm gián đoạn, hoặc đang làm gián đoạn dòng tiền. Bắt đầu với dấu sao ngoài cùng bên trái và đi theo chiều kim đồng hồ, ta thấy:
Các hộ gia đình không được trả lương có thể gặp khó khăn tài chính hoặc thậm chí là phá sản. Đặc biệt là ở Mỹ, nơi mà các hóa đơn y tế là nguồn chi lớn khiến họ dễ phá sản (theo thống kê được công bố bởi Debt.org). Điều này dẫn đến cắt giảm chi tiêu hàng hóa, từ đó ảnh hưởng đến dòng tiền đi từ hộ gia đình đến chính phủ và các công ty.
Nhu cầu nội tiêu thụ trong nước giảm ảnh hưởng đến hàng hóa nhập khẩu, từ đó ảnh hưởng đến dòng tiền chảy ra nước ngoài. Điều này tuy không ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu tiêu thụ nội địa, nhưng nó làm giảm nguồn thu nhập của các công ty nước ngoài, và rồi sẽ ảnh hưởng đến chi tiêu cho xuất khẩu của quốc gia. Từ đó có thể cắt giảm dòng tiền vào quốc gia từng xuất phát từ doanh thu xuất khẩu. Đó cũng chính là những gì xảy ra trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 - 2009, dẫn đến sự sụp đổ thương mai vô cùng lớn.
Sự giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ và các nguồn cung trực tiếp có thể dẫn đến sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng quốc tế và trong nước. Cả hai đều sẽ dẫn đến sự sụt giảm nghiêm trọng đầu ra, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất. Sản xuất đặc biệt dễ bị "tổn thương" khi có quá nhiều hàng tồn, và dĩ nhiên không có chi phí nào được chi trả trong thời gian có thể lên đến vài tháng.
Các doanh nghiệp bị buộc phải phá sản. Theo Báo cáo kinh tế thường niên năm 2019 của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, nhiều doanh nghiệp ngày càng "ôm nợ" trong những năm gần đây. Vì vậy họ có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự suy giảm dòng tiền. Sự phá sản của hãng hàng không Flybe (Anh) là một ví dụ điển hình. Sự đóng cửa của các công ty lại càng tạo ra sự gián đoạn dòng tiền nặng hơn. Các chủ nợ không được trả tiền, và công nhân cũng không được trả lương đầy đủ, trong tình huống nào cũng sẽ đi đến thất nghiệp. Trong trường hợp các công ty bị phá sản là những nhà cung cấp hoặc tiêu thụ cho các công ty khác, sự phá sản của một cũng khiến nhiều công ty khác phải lao đao. Kiểu phá sản theo dây chuyền này đã được chứng kiến trong ngành công nghiệp xây dựng trong thời kì khủng hoảng nhà ở.
Nguồn lao động bị ảnh hưởng bởi sa thải, nghỉ bệnh, cách ly hoặc nghỉ để chăm con hay người thân bị bệnh. Đây là yếu tố cuối cùng nhưng có lẽ là rõ ràng nhất. Khi người lao động mất việc, thậm chí khi họ có bảo hiểm thất nghiệp hay những hỗ trợ thu nhập khác, họ vẫn có xu hướng cắt giảm chi tiêu với những thứ không quá cần thiết. Các động cơ phòng ngừa có thể ít rõ ràng hơn đối với những người lao động chỉ xin nghỉ việc tạm thời, nhưng như đã nói, kiểu nghỉ phép này không được khuyến khích ở các quốc gia G7, hoặc là thời gian nghỉ phép cũng không được lâu.
Các chính phủ nên làm gì?
Một nguyên tắc cơ bản nên là: tiếp tục vận hành như bình thường. Cuộc khủng hoảng Covid-19 được gây ra bởi một cú sốc y tế rồi sẽ sớm tiêu tan. Nó dường như không phải là một đại dịch cực kì nguy hiểm, vậy nên có thể dù nhiều người sẽ chết (điều này thật sự là thảm họa), nhưng nó không giống bệnh dịch hạch - lực lượng lao động sẽ không bị giảm đáng kể về lâu dài.
Chìa khóa ở đây chính là làm giảm sự tích tụ của “mô sẹo kinh tế”: giảm thiểu số vụ phá sản không cần thiết của cá nhân và doanh nghiệp, đảm bảo rằng mọi người đều có tiền để chi tiêu cho dù họ không làm việc. Một lợi ích đi kèm là điều này sẽ hỗ trợ việc tự cách ly tại nhà - một việc vô cùng cần thiết để hạn chế sự gia tăng của các ca nhiễm Covid-19.