Phương pháp định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh

Theo Cổng TTĐT Bộ Tư pháp

Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư số 21/2024/TT-BYT ngày 17 tháng 10 năm 2024 quy định phương pháp định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

Theo đó nguyên tắc và căn cứ định giá được quy định như sau:
- Phương pháp định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh là cách thức xác định giá cho từng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, bao gồm phương pháp chi phí và phương pháp so sánh.
- Việc định giá phải áp dụng các nguyên tắc và căn cứ định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 110 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh và khoản 6 Điều 119 Nghị định số 96/2023/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2023 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sau đây gọi là Nghị định số 96/2023/NĐ-CP) và các nguyên tắc sau đây:
+ Việc lựa chọn phương pháp định giá thực hiện theo quy định tại Điều 2 Thông tư này;
+ Không tính trùng lắp các yếu tố chi phí cấu thành trong giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.
- Các khoản chi không được tính vào chi phí hợp lý, hợp lệ để xác định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh gồm:
+ Các khoản chi không được tính vào chi phí hợp lý, hợp lệ để xác định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế để tính thuế thu nhập doanh nghiệp và các khoản chi không được tính vào chi phí hình thành giá thành dịch vụ theo quy định của các văn bản pháp luật liên quan;
+ Các khoản chi phí đã được ngân sách nhà nước bảo đảm theo quy định của pháp luật, trong đó có các khoản phụ cấp đặc thù gồm: Chế độ phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thu hút, trợ cấp và các ưu đãi khác đối với cán bộ, viên chức y tế, lao động hợp đồng và cán bộ, nhân viên quân y trực tiếp làm công tác chuyên môn y tế tại các cơ sở y tế của Nhà nước ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Phụ cấp thu hút, phụ cấp công tác lâu năm, một số trợ cấp và thanh toán tiền tàu xe đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang (quân đội nhân dân và công an nhân dân) công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Chế độ phụ cấp đặc thù đối với cán bộ, viên chức công tác tại Bệnh viện Hữu Nghị, Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện C Đà Nẵng thuộc Bộ Y tế, các Phòng Bảo vệ sức khỏe Trung ương 1, 2, 2B, 3 và 5, Khoa A11 của các Bệnh viện trực thuộc Bộ Quốc phòng; Các chế độ phụ cấp đặc thù theo nghề hoặc công việc.
+ Các chi phí đã được tính trong giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh khác.
Lựa chọn áp dụng phương pháp định giá:
- Phương pháp chi phí được áp dụng để định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh khi xác định được các yếu tố hình thành giá.
- Phương pháp so sánh được áp dụng để định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh khi cần định giá thì phải thu thập được ít nhất thông tin của 3 đơn vị thực hiện dịch vụ để so sánh. Việc lựa chọn thu thập các thông tin về dịch vụ so sánh được quy định tại Điều 4 Thông tư này.
- Căn cứ điều kiện thực tiễn, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị lập phương án giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh (sau đây gọi là đơn vị lập phương án giá) quyết định lựa chọn áp dụng một trong hai phương pháp định giá quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 2 Thông tư này để lập phương án giá.
- Trường hợp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh áp dụng được cả hai phương pháp định giá cùng lúc thì Thủ trưởng đơn vị lập phương án giá được ưu tiên lựa chọn phương pháp so sánh khi đáp ứng đủ điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 2 Thông tư này.
Thông tư cũng quy định cụ thể về phương pháp so sánh như sau:
- Phương pháp so sánh là phương pháp định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh căn cứ vào thông tin thu thập được về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cùng loại được cung ứng trên thị trường trong nước tại thời điểm định giá để đề xuất mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cần định giá.
- Dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh để so sánh là dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cùng loại với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cần định giá. Dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cùng loại là dịch vụ có cùng tên gọi, cùng quy trình chuyên môn kỹ thuật và thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Được cung cấp bởi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cùng cấp chuyên môn kỹ thuật;
+ Tương đương về trình độ chuyên môn của nhân lực, kỹ thuật và công nghệ;
+ Tương đương về mô hình quản lý hoặc tương đương về hạng đơn vị sự nghiệp y tế.
Đối với thu thập thông tin về giá so sánh
- Đơn vị lập phương án giá thực hiện thu thập thông tin về giá của dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cùng loại để so sánh với dịch vụ cần định giá do các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác cung cấp và chịu trách nhiệm toàn diện về tính trung thực của quá trình thu thập thông tin và kết quả thu thập thông tin.
- Thông tin về giá của dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cùng loại phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:
+ Đã hoặc đang được áp dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi cung cấp thông tin về giá;
+ Được thu thập trong phạm vi 24 tháng tính từ thời điểm xây dựng phương án giá trở về trước của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên cùng địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Trường hợp không đủ 03 đơn vị cung ứng dịch vụ khác nhau trên cùng địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì mở rộng việc thu thập thông tin theo tiêu chí từ gần đến xa để lấy đủ 03 đơn vị cung ứng dịch vụ.
- Thông tin về giá của dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cùng loại căn cứ ít nhất một trong các nguồn tài liệu sau đây:
+ Giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định hoặc thẩm định hoặc công bố hoặc cung cấp;
+ Giá thực tế giao dịch thành công của các tổ chức, cá nhân ghi trên hóa đơn bán hàng theo quy định hoặc giá ghi trên hợp đồng cung cấp dịch vụ;
+ Giá kê khai hoặc giá thông báo hoặc giá niêm yết theo quy định; giá do các tổ chức có chức năng thẩm định giá xác định;
+ Giá do các hội, hiệp hội, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cung cấp;
+ Giá thu thập được thông qua thông tin đăng tải chính thức trên trang tin điện tử, cổng thông tin điện tử của các cơ quan, tổ chức;
+ Giá do tổ chức, cá nhân khảo sát và thu thập trên thị trường được lập dưới dạng phiếu khảo sát thông tin theo mẫu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư;
+ Giá chào mua, chào bán trên báo giá của đơn vị cung cấp dịch vụ hoặc đơn vị sản xuất, kinh doanh hàng hóa. Báo giá phải được đóng dấu của đơn vị (nếu có) và có đầy đủ thông tin về: Tên, địa chỉ; Mã số thuế (nếu có); Thời điểm cung cấp thông tin; Hiệu lực của báo giá, chào giá (nếu có);
+ Giá trong các cơ sở dữ liệu về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 17 tháng 10 năm 2024.

Tin Cùng Chuyên Mục